Kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao hơn cùng kỳ hai năm liên tiếp

Trong 9 tháng năm 2014, kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao hơn cùng kỳ hai năm liên tiếp trước đó, đặc biệt tăng trưởng của tháng sau luôn cao hơn tháng trước.
Kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao hơn cùng kỳ hai năm liên tiếp ảnh 1Vận hành máy móc gia công sản xuất thép lá tại Khu công nghiệp Tân Tạo. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm và giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2014 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27/9, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết trong 9 tháng năm 2014, kinh tế thành phố tăng trưởng cao hơn cùng kỳ hai năm liên tiếp trước đó, đặc biệt tăng trưởng của tháng sau luôn cao hơn tháng trước.

Trong đó cơ cấu kinh tế của thành phố ngày càng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu và tập trung thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ, kỹ thuật cao; đặc biệt tổng vốn đầu tư tăng mạnh là nguồn lực quan trọng để kinh tế thành phố tiếp tục phục hồi tăng trưởng.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2014 ước đạt 476.140,2 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì tăng 7,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,7%).

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,836 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,68%), còn kim ngạch nhập khẩu là 24,785 tỷ USD, giảm 8,78% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,92%).

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố đánh giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có tốc độ tăng khá cao so với cùng kỳ, một phần là do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức tăng hợp lý, chỉ tăng 3,13% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ cho thấy những dấu hiệu tích cực từ việc các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Trong 9 tháng năm 2014, chỉ số công nghiệp ước tăng 6,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,0%), quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đặc biệt bốn ngành công nghiệp trọng yếu, ngành cơ khí chế tạo có mức tăng trưởng cao, ước tăng 19% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển các ngành kinh tế.

Bên cạnh đó về đầu tư trong nước, Thành phố có 16.981 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới và 29.785 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong 9 tháng năm 2014 là 186.798 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Thành phố cũng có 1.927 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (bằng 11,3% số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 7% so với cùng kỳ.

Riêng về đầu tư nước ngoài, Thành phố có 292 dự án cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 88 dự án được điều chỉnh tăng vốn, tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 1,45 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng năm 2014 là 189.317 tỷ đồng, đạt 83,66% dự toán, tăng 15,66% so cùng kỳ.

Đại điện Sở Tài chính Thành phố cho biết, nguyên nhân tăng thu là do một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng vượt bậc, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng có thuế suất cao tăng đáng kể; giải pháp kiểm tra, thu hồi nợ đọng phát huy hiệu quả…

Theo đánh giá của Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn trong 9 tháng đạt 593.552 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ, cho thấy nhiều khả năng thành phố đạt được mức kế hoạch đề ra từ 9,5-10% vào cuối năm 2014.

Nhằm đảm bảo đạt mức tăng trưởng và hoàn thành chỉ tiêu kinh tế xã hội của Thành phố trong năm 2014, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đề nghị các ngành, các cấp phải tập trung thực hiện tích cực những nhóm giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm.

Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh về các vấn đề vốn, môi trường đầu tư, khai thác thị trường hiệu quả, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa…

Đồng thời phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; tăng hiệu quả đầu tư công; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan; phát huy giải pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống chuyển giá, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo cần nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thương mại và dịch vụ theo hướng tập trung thị trường, ngành kinh tế trọng điểm nhằm phát huy các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế thành phố.

Đồng thời chú trọng đầu tư vào các ngành có vai trò thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cho cấu kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.