Kinh tế TP.Hồ Chí Minh duy trì đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp

Kinh tế TP.HCM phục hồi với mức tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của thành phố.
Kinh tế TP.Hồ Chí Minh duy trì đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân cảng Hiệp Phước. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi với mức tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của thành phố, duy trì đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp.

Đây là nhận định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội thành phố trong 6 tháng đầu năm 2015 tổ chức ngày 24/6.

Các chỉ số kinh tế tăng cao

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6 tháng đầu năm của thành phố ước đạt 417.064 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây.

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, 3 khu vực chính gồm dịch vụ; công nghiệp và xây dựng; nông nghiệp đều có mức tăng từ 6% đến 9,8% đã cho thấy kinh tế thành phố phát triển đúng định hướng đề ra từ đầu nhiệm kỳ của thành phố.

Ở các lĩnh vực khác gồm thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, tín dụng ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 323.232 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,2% so với cùng kỳ, cho thấy quy mô thị trường nội địa có xu hướng cao dần, tháng sau cao hơn tháng trước.

Tính đến cuối tháng 6, ước tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 1,384 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2014, tăng 14,82 so với cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng cũng ước đạt 1,125 triệu tỷ đồng, tăng 5,4% so với cuối năm 2014, tăng 14,86% so với cùng kỳ.

Theo ông Thái Văn Rê, cả "đầu vào và đầu ra" của thị trường tín dụng ngân hàng trong bối cảnh lãi suất giảm đều tăng đã thể hiện dòng vốn trên địa bàn lưu thông tốt. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.

Đến nay, tổng số tiền chương trình đã thực hiện 65.728 tỷ đồng cho 1.498 khách hàng; trong đó chương trình giải ngân gói tín dụng của 19 ngân hàng tham gia ký kết đạt hơn 38.000 tỷ đồng cho 783 khách hàng.

Trong lĩnh vực công nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 6,5%. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng.

Tình hình hoạt động đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố cũng đạt kết quả khả quan. Tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt hơn 623 triệu USD, đạt hơn 89% kế hoạch, tăng hơn 87% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,53 tỷ USD.

Về tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm, ước thu ngân sách trên địa bàn đạt 134.732 tỷ đồng, đạt 50,69 dự toán, tăng hơn 6% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa đạt 75.645 tỷ đồng, thu dầu thô hơn 12.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 47.000 tỷ đồng.

Phân tích về kết quả thu ngân sách trên địa bàn trong 6 tháng qua, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để đạt kết quả thu như trên có sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, qua đó thể hiện tình hình sản xuất kinh doanh có chuyển biến tích cực, ổn định; sự chủ động của các cơ quan thu (thuế, hải quan) cũng như công tác bồi dưỡng nguồn thu được thực hiện tốt.

Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2015, ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của thành phố tăng trưởng theo chiều hướng tốt.

Tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn ổn định; trong đó chỉ số công nghiệp tăng cao trong 3 năm qua. Mặt khác, tiêu dùng trong dân cư đã có sự gia tăng, xuất khẩu vẫn duy trì tốt, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, dòng vốn được khai thông, đi vào sản xuất.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Xác định những tháng còn lại của năm 2015 rất quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2010-2015, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều nhóm giải pháp; trong đó tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tiếp xúc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất, chất lượng ngành công nghiệp, quảng bá thương hiệu. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ; trong đó tập trung tổ chức Hội trợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đối với vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, chính sách khi Việt Nam gia nhập và tham gia các hiệp định kinh tế, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang tập trung chỉ đạo, kiện toàn Ban chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố.

Ngay trong tháng 7 này, các sở ngành, địa phương trên địa bàn; trong đó Sở Công Thương có vai trò chủ công phải hoàn thiện xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai công tác, chuẩn bị hội nhập kinh tế quốc tế thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Các đơn vị chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; trong đó tập trung công tác chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại.

Đối với hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; khai thác tối đa thị nhu cầu thị trường trong nước, củng cố và phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đến các vùng sâu, vùng xa; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới.

Ngân hàng tiếp tục phấn đấu hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo niềm tin cho doanh nghiệp hoạt động tốt.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo thực hiện quá trình tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng, đảm bảo hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình Đề án tái cơ cấu ngân hàng của Chính phủ và Ngân hành Nhà nước.

Theo ông Thái Văn Rê, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn; tăng cường đào tạo, tập huấn về tiết kiệm năng lượng, sở hữu trí tuệ.

Mặt khác, tìm kiếm và thực hiện kiểm toán năng lượng cho thêm 20 doanh nghiệp; tư vấn đầu tư đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng cho ít nhất 11 doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.