Kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 27 năm

Trong quý 3/2019, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6%, mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ, trước sự sụt giảm nhu cầu trong nước và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.
Kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 27 năm ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy ở Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 18/10 cho biết trong quý 3/2019, kinh tế nước này đã tăng trưởng 6%, mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ, trước sự sụt giảm nhu cầu trong nước và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.

Chỉ số trên phù hợp với kết quả khảo sát do hãng tin AFP tiến hành đối với 13 nhà phân tích và là mức tăng hàng quý thấp nhất kể từ năm 1992.

Tuy nhiên, mức tăng trong quý 3 nhưng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 6-6,5% năm 2019 của Chính phủ Trung Quốc. Trong năm 2018, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 6,6%.

[Dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất]

Người phát ngôn của NBS, Mao Shengyong, nhận định kinh tế Trung Quốc đã duy trì sự ổn định từ quý 1-3/2019, song lưu ý trước những diễn biến phức tạp của các điều kiện kinh tế trong lẫn ngoài nước, sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và tình trạng gia tăng bất ổn bên ngoài, kinh tế Trung Quốc đang chịu sức ép đi xuống.

Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế với chương trình cắt giảm thuế, hạ lãi suất và dỡ bỏ các hạn chế đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán.

Trong biện pháp mới nhất để hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 16/10 cho biết đã bơm 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn cho các ngân hàng, nhằm duy trì khả năng thanh khoản trên thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý những nỗ lực trên vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu nội địa. Xung đột thương mại và nhu cầu trong nước suy yếu đã thúc đẩy Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc từ 6,2% xuống còn 6,1%.

Cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ cũng tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Tuần này, Trung Quốc công bố các số liệu cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu yếu hơn dự kiến trong tháng Chín, sau khi Washington áp đặt mức thuế mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.