Kinh tế Trung Quốc: Khi triển vọng tích cực "song hành" rủi ro

Các chuyên gia cảnh báo rằng những bất ổn kinh tế của Trung Quốc sẽ tích tụ trong nửa cuối năm nay, xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm sự thay đổi của nhu cầu ở nước ngoài và giá cả hàng hóa gia tăng.
Kinh tế Trung Quốc: Khi triển vọng tích cực "song hành" rủi ro ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Thời báo Hoàn Cầu - ấn bản của Nhân dân nhật báo, số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 tiếp tục tăng tốc và nước này ghi nhận tăng trưởng trong tất cả các lĩnh vực trong quý 2/2021.

Kết quả này được các chuyên gia kinh tế Trung Quốc coi là một "kỳ tích" khi xét đến tốc độ, phạm vi và tính bền vững trong sự chuyển đổi của Trung Quốc từ tình trạng dịch bệnh đầu năm 2020 sang trạng thái kinh tế hiện tại.

Dù vậy, các chuyên gia cũng chỉ ra những bất ổn mà Trung Quốc đang phải đối mặt, ví dụ như giá cả hàng hóa gia tăng và rủi ro đại dịch bên ngoài, trong bối cảnh xuất hiện các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Theo dữ liệu do NBS công bố hôm 15/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm tăng 12,7% lên 53.200 tỷ nhân dân tệ (8.200 tỷ USD).

Trên cơ sở trung bình 2 năm, GDP của Trung Quốc tăng 5,3%. Kinh tế Trung Quốc tăng 7,9% trong quý 2/2021, chậm hơn so với mức tăng trưởng 18,3% trong 3 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, xét trên cơ sở trung bình 2 năm, mức tăng trưởng của quý 2/2021 đạt 5,5%, vượt mức tăng trưởng 5% của quý đầu năm.

Trong một cuộc họp báo tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc) hôm 15/7, ông Diêu Cảnh Nguyên, cựu Trưởng ban chuyên gia kinh tế của NBS cho rằng sự tăng trưởng ổn định trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2021 cho thấy Trung Quốc có thể hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh tế đặt ra từ đầu năm.

Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc có thể nằm trong số các nước có tăng trưởng cao nhất trong nửa đầu năm, trong bối cảnh nhiều quốc gia ghi nhận tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí tăng trưởng âm trong quý 2/2021.

Kinh tế Mỹ tăng 6,4% trong quý đầu tiên, và nước này vẫn chưa công bố số liệu của quý 2/2021.

Ông Đổng Đăng Tân, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính và Chứng khoán thuộc Đại học Vũ Hán, nói với Thời báo Hoàn Cầu: “Mức tăng trưởng này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã cơ bản thoát khỏi tác động của dịch COVID-19 và đã trở lại mức trước đại dịch.”

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tiếp tục cung cấp động lực cho tăng trưởng toàn cầu hậu COVID-19. Các chuyên gia kỳ vọng rằng Trung Quốc có thể đóng góp khoảng 1,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của thế giới trong năm nay, là động lực kinh tế lớn thứ hai (sau Mỹ) đối với sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là hơn 6%. GDP của nước này tăng 2,3% trong năm 2020.

Phục hồi cân bằng và khỏe mạnh

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc đánh giá tăng trưởng GDP trong sáu tháng đầu năm của nước này “ngày càng cân bằng,” nhờ các động lực chính của nền kinh tế đều tăng trưởng hàng năm hai con số. Mức tăng trưởng trung bình hai năm ổn định trong khoảng 4-7%.

Ông Ngũ Siêu Minh, Trưởng Ban chuyên gia kinh tế của hãng chứng khoán Tài Tín, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, tiêu dùng và đầu tư, từng tụt hậu so với lĩnh vực sản xuất trong quá trình kinh tế phục hồi, cũng đang tăng trưởng nhanh hơn. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng kinh tế của Trung Quốc đang thu hẹp.

Tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 23% trong nửa đầu năm 2021, đạt 21.200 tỷ nhân dân tệ. Tăng trưởng trung bình 2 năm của doanh thu bán lẻ trong 6 tháng đầu năm của Trung Quốc lên 4,4%, tăng 0,2% so với quý đầu tiên. 

Đầu tư tài sản cố định tăng 12,6% từ tháng 1 đến tháng 6/2021, đưa mức tăng trưởng trung bình 2 năm lên 4,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng công nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay tăng 15,9%. Các chuyên gia phân tích cũng nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc là "lành mạnh" bởi cơ cấu công nghiệp đang được cải thiện. 

Theo ông Hồ Kỳ Mục, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Tập đoàn Gang thép Trung Quốc (Sinosteel), chính phủ đã đảm bảo rằng sự phát triển của nền kinh tế có cấu trúc cân bằng thay vì chỉ đưa ra các chính sách kích thích mạnh mẽ như “lũ lụt.”

Chuyên gia này trích dẫn ví dụ về việc Trung Quốc nâng mục tiêu phát thải khí carbon trong bối cảnh nền kinh tế đang khởi động lại và đang trên lộ trình xây dựng thị trường thương mại carbon lớn nhất thế giới, dự kiến bắt đầu giao dịch trong tháng Bảy này.

Dữ liệu của NBS cũng cho thấy giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc đã tăng 22,6% trong nửa đầu năm nay, với sản lượng xe năng lượng sạch và robot công nghiệp lần lượt tăng 205% và 69,8%. 

Bất ổn gia tăng 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những bất ổn kinh tế đang tích tụ trong nửa cuối năm nay, xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm sự thay đổi của nhu cầu ở nước ngoài và giá cả hàng hóa gia tăng.

Những yếu tố đó cùng với một hiệu ứng cơ bản ít hơn sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 3 và quý 4/2021. 

Một số dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng trưởng bắt đầu giảm tốc. Ví dụ, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 8,3% trong tháng Sáu so với một năm trước đó, giảm so với mức tăng 8,8% trong tháng Năm. 

Ông Hứa Hiến Xuân, Cựu Phó Cục trưởng NBS, nhận định rằng GDP quý 3/2021 của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng với tốc độ "tương đối cao" một phần do cơ sở so sánh thấp và vì nhiều tiềm năng phát triển được mở ra.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn so với quý 2/2021. Trong cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm dần. GDP nửa cuối năm sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng khoảng 3 điểm phần trăm, tạo cơ sở củng cố tăng trưởng cả năm ở mức từ 8,5-9%, một tỷ lệ tương đối cao.

Chuyên gia Hứa Hiến Xuân nhận định rằng kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt nhiều bất ổn trong những tháng sắp tới. Xuất khẩu của Trung Quốc có thể sụt giảm trong nửa cuối năm, do việc nối lại sản xuất ở nước ngoài khi các nước trên thế giới kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả.

Chuyên gia Diêu Cảnh Nguyên cho biết khó khăn lớn nhất trong nửa đầu năm nay là giá nguyên liệu thô tăng cao, tạo gánh nặng cho các nhà sản xuất. Ông cho rằng tình hình có thể được xoa dịu trong nửa cuối năm do Trung Quốc đã cam kết ổn định giá cả và nhiều biện pháp hỗ trợ các nhà máy đã được lên kế hoạch. 

Các chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc cần đẩy mạnh cải cách sâu rộng để tăng thu nhập của người dân nhằm thúc đẩy tiêu dùng hơn nữa, vì lĩnh vực tiêu dùng vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19. 

Chuyên gia Diêu Cảnh Nguyên nhấn mạnh Trung Quốc có một thị trường nội địa khổng lồ, với khoảng 400 triệu người thuộc nhóm thu nhập trung bình - tương đương với tổng dân số của Mỹ và Nhật Bản. Để phát triển một thị trường tiêu dùng mạnh mẽ, điều quan trọng là phải giải phóng tiềm năng tiêu dùng trong nửa cuối năm./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.