Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh trong quý 3 nhờ nới lỏng hạn chế

Trong quý 3, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 2,7% so với quý trước.

Tổng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 19/10 cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng trưởng 0,7% trong 3 quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong quý 3, mức tăng này là 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 2,7% so với quý trước.

Kết quả trên đạt được trong bối cảnh các biện pháp phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang dần được nới lỏng. Mọi người đã bắt đầu trở lại làm việc, sản xuất, đi du lịch và tiêu dùng.

Theo NBS, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng Chín tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này đạt được sau khi hàng tiêu dùng chính trong tháng Tám lần đầu tiên đạt tăng trưởng dương trong năm nay, với mức tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Trung Quốc: Luật hạn chế xuất khẩu mới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia]

Sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng, một chỉ số kinh tế quan trọng, đã tăng 5,8% trong quý 3. Đầu tư tài sản cố định tăng 0,8% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 0,3% trong 8 tháng đầu năm.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp trong năm nay, như tăng chi tài chính, giảm thuế và giảm lãi suất cho vay cũng như giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, nhằm vực dậy nền kinh tế sau dịch và hỗ trợ việc làm.

NBS cho biết nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà phục hồi sau khi chứng kiến những mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo rằng môi trường quốc tế vẫn phức tạp và khắc nghiệt vì tồn tại nhiều bất ổn.

Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang hy vọng đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế số 2 thế giới, nhằm giúp tái khởi động nhu cầu khi các nền kinh tế đang chống chịu với các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và một làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc có thể đạt tăng trưởng 1,9% trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.