Kinh tế Trung Quốc quý 4 tăng trưởng chậm nhất trong một năm rưỡi

Theo khảo sát, trong quý 4/2021, GDP của Trung Quốc tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước đó - tốc độ thấp nhất kể từ quý 2 năm 2020 và thấp hơn mức 4,9% trong quý 3 năm 2021.
Kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều sóng gió trong năm 2022, trong đó có sự suy yếu của thị trường bất động sản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong một năm rưỡi trong quý bốn năm 2021, do nhu cầu yếu đi trước sự suy giảm của thị trường bất động sản, chính sách kiềm chế nợ và các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo một khảo sát do hãng Reuters tiến hành, trong giai đoạn từ tháng 10-12/2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước đó, tốc độ thấp nhất kể từ quý 2 năm 2020 và thấp hơn mức 4,9% trong quý 3 năm 2021. Số liệu này có thể thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách triển khai các chính sách nới lỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Trên cơ sở hàng quý, kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 1,1% trong quý 4 năm 2021 so với mức 0,2% trong quý trước đó. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, GDP của Trung Quốc có khả năng tăng 8%.

Đây sẽ là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất trong một thập kỷ, một phần do cơ sở so sánh thấp của năm 2020, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ công bố số liệu GDP chính thức trong ngày 17/1.

[Trung Quốc công bố mức tăng trưởng FDI năm 2021 đáng kinh ngạc]

Kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều sóng gió trong năm 2022, như sự suy yếu của thị trường bất động sản và những thách thức mới do sự lan rộng của biến thể Omicron.

Xuất khẩu, vốn là một trong số ít lĩnh vực vững mạnh trong năm 2021, cũng dự kiến sẽ chậm lại, trong khi chính phủ vẫn tiếp tục kiềm chế lượng khí thải công nghiệp.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tuyên bố sẽ ngăn chặn tình trạng suy thoái mạnh hơn của nền kinh tế, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào cuối năm nay.

Các nhà kinh tế dự kiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ tung ra nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn, với khả năng sẽ ưu tiên bơm thêm tiền vào nền kinh tế hơn là cắt giảm lãi suất quá mạnh.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng PBoC sẽ đưa ra các bước nới lỏng nhẹ nhàng hơn, như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đã cam kết tăng cường hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế, với việc đẩy nhanh chương trình phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và lên kế hoạch giảm thuế nhiều hơn.

Theo cuộc khảo sát, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại 5,2% trong năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục