Phải chăng Trung Quốc tìm cách che giấu kinh tế với bên ngoài?

Theo các nhà phân tích chính trị và các quan chức Mỹ, sự mù mờ về thông tin của Trung Quốc có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong cả ngắn hạn và dài hạn
Phải chăng Trung Quốc tìm cách che giấu kinh tế với bên ngoài? ảnh 1Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo tờ Wall Street Journal, Trung Quốc từ lâu đã duy trì sự kiểm soát thông tin chặt chẽ và những nỗ lực này ngày càng được tăng cường.

Luật bảo mật dữ liệu mới đã khiến các công ty và nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận các nguồn thông tin, bao gồm cả thông tin về các nguồn cung và báo cáo tài chính. Một số nhà cung cấp địa điểm đỗ tàu tại các vùng biển của Trung Quốc đã ngừng chia sẻ thông tin với bên ngoài, khiến cho việc tìm hiểu hoạt động của các cảng biển ở nước này trở nên khó khăn.

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã hạn chế những thông tin về việc sử dụng than, loại bỏ các tài liệu liên quan đến các vụ bất đồng chính kiến khỏi cơ sở dữ liệu tư pháp chính thức và ngừng trao đổi học thuật với các nước khác.

Ông Stephen Nagy, Giáo sư nghiên cứu quốc tế và chính trị tại Đại học Cơ đốc giáo ở Tokyo, Nhật Bản, cho rằng việc hạn chế tiếp cận thông tin khiến cho người nước ngoài khó khăn hơn trong việc tìm hiểu những gì đang xảy ra ở nước này.

Giới kinh doanh và các nhà phân tích chính trị cho rằng sự bảo mật ngày càng tăng của Trung Quốc không phải là kết quả của bất kỳ chính sách đơn lẻ nào, mà đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố như phản ứng với đại dịch COVID-19, lo ngại ngày càng tăng về bảo mật dữ liệu và môi trường chính trị mà thế giới bên ngoài bị nhìn nhận với sự nghi ngờ.

[FDI vào Trung Quốc dự kiến tăng trưởng hai con số năm 2021]

Trong khi đó, Mỹ cũng đã thực hiện các động thái nhằm tách rời một phần hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với các trường đại học nghiên cứu và công nghệ của Mỹ thông qua các hạn chế thương mại và thị thực.

Phong tỏa dữ liệu

Theo luật bảo mật dữ liệu mới, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2021, tất cả các hoạt động thu thập, lưu trữ, sử dụng và truyền tải thông tin đều phải chịu sự giám sát của Chính phủ Trung Quốc do những quan ngại về việc chuyển giao những dữ liệu nhạy cảm tiềm ẩn ra nước ngoài.

Kể từ khi luật được thông qua, các công ty ở Trung Quốc đại lục ngày càng ngại chia sẻ thông tin với các công ty đa quốc gia trong các lĩnh vực chiến lược như tài chính, chăm sóc sức khỏe, giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng, ông Jonathan Crompton, một luật sư tại công ty luật Reynolds Porter Chamberlain LLP ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết.

Tuy vậy, các nhà chức trách Trung Quốc lại không rõ ràng về những gì được coi là thông tin nhạy cảm, khiến cho các công ty nước này cảm thấy không chắc chắn về những gì họ có thể chia sẻ với các đối tác nước ngoài.

Giám đốc điều hành tại một công ty công nghệ lớn của Mỹ cho biết, các nhà cung cấp một số kim loại như coban và lithium được sử dụng trong các thiết bị điện tử đã trở nên ngần ngại chia sẻ thông tin với khách hàng bên ngoài Trung Quốc.

Những dữ liệu mà các nhà cung cấp coi là nhạy cảm bao gồm các chi tiết như số lượng kim loại mà họ đang có sẵn hay tỷ lệ nguồn cung cấp được tái chế, gây khó khăn cho việc lập kế hoạch sản xuất và đảm bảo tuân thủ các quy tắc môi trường.

Ông Steve Dickinson, một luật sư tại công ty luật Harris Bricken của Mỹ, nhớ lại một tình tiết gần đây, trong đó một khách hàng Mỹ đã yêu cầu một công ty Trung Quốc cung cấp báo cáo tài chính đã được kiểm toán để xác định xem có đáng tin cậy hay không.

Sau đó, công ty này đã từ chối với lý do không thể công bố báo cáo tài chính cho người nước ngoài theo chính sách mới của Trung Quốc. Sau đó, khách hàng của ông đã phải tiếp tục hợp tác với đối tác Trung Quốc mà không có bất kỳ một thông tin nào. Ông Dickinson cho rằng việc thiếu dữ liệu làm tăng nguy cơ lừa đảo và gian lận đối với các công ty muốn làm ăn với Trung Quốc.

Từ đầu tháng 11, các nền tảng theo dõi tàu biển trên toàn cầu bắt đầu nhận thấy sự gián đoạn đối với luồng dữ liệu về vị trí của các tàu trong vùng biển Trung Quốc. Một số nhà cung cấp của Trung Quốc đã ngừng chia sẻ thông tin chi tiết về vị trí của tàu, với lý do luật bảo mật dữ liệu mới.

Ông Nikos Psaltopoulos, Giám đốc điều hành công ty phân tích hàng hải toàn cầu MarineTraffic có trụ sở ở Athens, Hy Lạp cho biết, trong khi hình ảnh vệ tinh vẫn có sẵn, việc loại bỏ quyền truy cập đối với các thông tin chi tiết về các hoạt động di chuyển theo thời gian thực của các con tàu ở vùng biển của Trung Quốc sẽ khiến các công ty khó theo dõi chính xác các chuyến hàng của họ đến và đi từ nước này.

Trong khi đó, ông Samir Madani, đồng sáng lập trang dữ liệu "TankerTrackers.com" cho biết nếu không có dữ liệu vị trí tàu chính xác như vậy từ các nhà cung cấp Trung Quốc, sẽ khó khăn hơn nhiều để tìm ra khối lượng dầu buôn bán của Trung Quốc với Triều Tiên, Venezuela và Iran - các quốc gia đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc hoặc Mỹ.

Sự kiểm duyệt học thuật

Một điểm đáng chú ý là sự đảo ngược đáng kể của Bắc Kinh trong lĩnh vực học thuật - từng được coi là ngọn hải đăng hợp tác giữa Trung Quốc và phương Tây. Bắc Kinh đã từng bước cấm các học giả phương Tây tiếp cận các tài liệu lưu trữ nghiên cứu và gây khó khăn hơn cho các trường đại học Trung Quốc trong việc tổ chức các hội nghị quốc tế.

Tháng 8/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy cơ quan này đã chấm dứt 286 chương trình hợp tác giữa các trường đại học Trung Quốc với nước ngoài trong các năm 2018 và 2019, với lý do một số chương trình không đáp ứng các tiêu chuẩn giảng dạy của bộ.

Các trường đại học ở Anh, Nga và Mỹ có số lượng chương trình bị cắt giảm nhiều nhất và các ngành khoa học máy tính, công nghệ sinh học, kinh tế quốc tế và thương mại là những môn học bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Gần đây, các trường đại học Trung Quốc đã áp dụng các quy trình phê duyệt chặt chẽ hơn đối với các học giả nước này trong các lĩnh vực như quan hệ quốc tế và nghiên cứu lịch sử Trung Quốc muốn đi du lịch nước ngoài hoặc tham gia vào các cuộc hội thảo trực tuyến với các học giả nước ngoài.

Tuy nhiên, trong một phản hồi qua fax đối với những chất vấn, Bộ giáo dục Trung Quốc phủ nhận rằng nước này đang thắt chặt kiểm soát hoặc cản trở các hoạt động hợp tác học thuật xuyên biên giới.

Đại dịch COVID-19 "về mặt khách quan đã tạo ra những trở ngại rõ ràng cho việc trao đổi nhân sự và học thuật giữa các cơ sở giáo dục ở các quốc gia khác nhau," Bộ này cho biết, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa với thế giới.

Ông Jia Qingguo, cựu hiệu trưởng Trường nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng: "Sự quản lý quá mức đã khiến chúng tôi không thể nghiên cứu những ý tưởng, phương pháp nghiên cứu và kinh nghiệm chính trị tiên tiến từ nước ngoài". Ông Jia nói thêm rằng một số trường đại học chỉ cho phép các học giả tiếp xúc với người nước ngoài nếu có ít nhất một đồng nghiệp khác tham gia cùng.

Theo các nhà phân tích chính trị và các quan chức Mỹ, sự mù mờ về thông tin của Trung Quốc có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong cả ngắn hạn và dài hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.