Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu ảnh hưởng đến giá dầu tại châu Á

Tại thị trường châu Á, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng lên 28,48 USD/thùng trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm xuống 19,40 USD/thùng.
Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 17/4 sau khi số liệu chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong nhiều thập kỷ, lấn át phần nào đà tăng trước đó từ các kế hoạch ban đầu để mở cửa lại nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Donald Trump.

Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 66 xu Mỹ, tương đương 2,4%, lên 28,48 USD/thùng vào 13 giờ 45 phút (theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm 47 xu Mỹ (2,4%) xuống 19,40 USD/thùng.

Phiên này giá dầu ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thông tin nền kinh tế Trung Quốc trong quý 1/2020 đã suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 1992, do sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm tê liệt sản xuất và chi tiêu tại nước này. Dịch bệnh cũng tạo ra một lỗ hổng lớn trong nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm dầu thô và qua tinh chế.

Số liệu kinh tế Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Trump công bố một quy trình gồm ba giai đoạn để chấm dứt tình trạng giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại nước này.

Theo ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới đầu tư AxiTrader, các thị trường dầu mỏ tìm thấy sự hỗ trợ cơ bản từ kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, rủi ro giá dầu giảm vẫn còn khá lớn.

Cả dầu Brent lẫn dầu WTI đều hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp, với dầu WTI của Mỹ dự kiến rơi xuống mức thấp của 18 năm.

[Trung Quốc: GDP giảm 6,8%, lần đầu tăng trưởng âm từ khi thống kê]

Ông Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng và tài nguyên của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho biết dầu WTI đang giảm giá mạnh vì sản lượng dầu của Mỹ vẫn lớn nhất thế giới, trong khi có rất ít nhu cầu trong nước hoặc xuất khẩu.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2020 và cảnh báo đây có thể không phải là phiên bản chỉnh sửa theo hướng đi xuống cuối cùng. OPEC dự kiến nhu cầu năng lượng thế giới sẽ giảm khoảng 6,9 triệu thùng/ngày thay vì mức tăng nhỏ được dự đoán vào tháng trước, viện dẫn sự bùng phát của dịch COVID-19 là lý do cho sự điều chỉnh trên.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn năng lượng ConocoPhillips hôm 16/4 thông báo sẽ giảm sản lượng ở Bắc Mỹ khoảng 225.000 thùng/ngày. Đây là mức cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay của một nhà sản xuất dầu đá phiến để đối phó với tình trạng nhu cầu sụt giảm chưa từng thấy.

Ngân hàng ING cho biết trong một lưu ý vào ngày 17/4 điều này cho thấy sẽ có những quyết định cắt giảm mạnh mẽ từ bên ngoài OPEC mà không cần phải một kế hoạch bắt buộc. Thay vào đó, các lực lượng thị trường sẽ tự có động thái riêng khi môi trường giá thấp buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích nói rằng ngay cả khi các nhà sản xuất dầu lớn như Mỹ và Na Uy giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày, vẫn có sự chênh lệch giữa cung và cầu khoảng 10 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục