Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu nếu OPEC+ phá vỡ thỏa thuận cắt giảm sản lượng

Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, cùng với sự hợp tác của các đối tác trên thế giới nhằm giảm bớt những biến động trên thị trường năng lượng.
Giàn khoan dầu của Hãng Shell. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giàn khoan dầu của Hãng Shell. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề năng lượng, ông Francis R. Fannon, ngày 15/4 cho biết Mỹ có thể vẫn áp các mức thuế nhập khẩu dầu mỏ vào nước này nếu các nhà sản xuất dầu trên thế giới không thực hiện cam kết đưa ra hồi cuối tuần trước về việc cắt giảm sản lượng.

Sau cuộc họp trực tuyến ngày 12/4 do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tổ chức, các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đã nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5-6/2020, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu.

Kết quả này đạt được sau bốn ngày đàm phán căng thẳng, trong đó có cuộc dàn xếp với Mexico.

Động thái này được đưa ra nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/4 cho biết, OPEC và các đối tác sản xuất dầu khác, còn gọi là nhóm OPEC+, có kế hoạch cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục 20 triệu thùng/ngày.

Ông Trump, người đã đóng vai trò trung gian cho thỏa thuận, cho hay sự nhất trí lần này lớn hơn dự kiến và sẽ giúp ngành năng lương phục hồi sau tác động của dịch COVID-19.

Giải thích cho con số mà Tổng thống Mỹ đưa ra, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết cắt giảm khoảng 3,7 triệu thùng và lượng mua dự trữ chiến lược sẽ đạt tới khoảng 200 triệu thùng trong hai tháng tới, nâng tổng số dầu được cắt giảm trên thị trường lên tới 19,5 triệu thùng/ngày.

[OPEC+ có kế hoạch điều chỉnh sản lượng theo hướng cắt giảm sản lượng]

Giá dầu thế giới đã giảm mạnh giữa lúc nhu cầu tiêu thụ toàn cầu liên tục suy yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong khi Saudi Arabia và Nga đẩy mạnh sản xuất dầu trong cuộc đua giành thị phần.

Trong phiên giao dịch ngày 15/4, giá dầu WTI của Mỹ đã chạm mức thấp nhất trong 18 năm qua, xuống dưới 20 USD/thùng, sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho thấy kho dự trữ dầu của nước này tiếp tục đầy lên.

Trước thỏa thuận đạt được hồi cuối tuần trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố Washington có thể áp mức thuế rất cao đối với dầu nhập khẩu nếu giá “vàng đen” vẫn ở mức thấp, song ông không cho rằng Mỹ phải thực hiện biện pháp này bởi cả Nga và Saudi Arabia sẽ không được hưởng lợi từ giá dầu thấp.

Ông Fannon nói thêm, Washington sẽ theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, cùng với sự hợp tác của các đối tác trên thế giới nhằm giảm bớt những biến động trên thị trường năng lượng.

Ngoài vấn đề thuế quan, các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ cũng đang gây sức ép đối với Saudi Arabia trong việc đưa ra các hành động cụ thể để giảm sản lượng dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.