Thỏa thuận của OPEC+ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường ''vàng đen''

Thị trường dầu thế giới hầu như không chịu nhiều ảnh hưởng của thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục khi giá dầu Brent tăng 1,5% trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm vào cuối phiên giao dịch 13/4.
Thỏa thuận của OPEC+ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường ''vàng đen'' ảnh 1Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các nhà phân tích, tác động “ít ỏi” tới giá dầu của một thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục mà các nước sản xuất dầu đạt được mới đây cho thấy họ sẽ còn một “chặng đường dài ở phía trước” nếu họ muốn khôi phục sự cân bằng thị trường khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm giảm mạnh nhu cầu dầu và đẩy lượng dầu dự trữ tăng cao.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+ ngày 12/4 đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5-6/2020, tương đương 10% sản lượng dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường dầu thế giới hầu như không chịu nhiều ảnh hưởng của thông tin trên khi giá dầu Brent tăng 1,5% trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm vào cuối phiên giao dịch 13/4.

[Tổng thống Mỹ: OPEC+ dự định giảm sản lượng 20 triệu thùng mỗi ngày]

Điều này cho thấy cả nhà đầu tư và nhà sản xuất đều hiểu rằng thỏa thuận trên không có nhiều tác dụng khi nhu cầu dầu thế giới đã giảm khoảng 30% do dịch COVID-19.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia (A-rập Xê-út) Abdulaziz bin Salman đã “xem nhẹ” diễn biến giá dầu trong phiên giao dịch 13/4 và cho biết những dự đoán về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục là nguyên nhân khiến giá dầu đã tăng trước cuộc họp của OPEC+.

Kể từ khi giảm xuống dưới 22 USD/thùng cách đây hai tuần, giá dầu Brent đã tăng khoảng 48%.

Trong khi đó, các nước sản xuất dầu lớn khác như Mỹ và Canada (Ca-na-đa) cũng đưa ra các cam kết cắt giảm sản lượng gián tiếp, làm dấy lên những dự báo về sản lượng dầu sẽ giảm mạnh trong những tháng tới do giá dầu lao dốc.

Ông Abdulaziz bin Salman cho biết các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu 3,7 triệu thùng/ngày trong khi hoạt động mua dầu dự trữ chiến lược sẽ đạt xấp xỉ 200 triệu thùng/ngày trong vài tháng tới, đưa tổng mức cắt giảm sản lượng lên khoảng 19,5 triệu thùng/ngày. Giá dầu Brent và WTI đã giảm hơn 50% kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Mức cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể lớn hơn gấp 4 lần so với mức cắt giảm kỷ lục hồi năm 2008 và tổng cung dầu thế giới có thể giảm gấp đôi sau khi các biện pháp khác (cũng nhằm giảm sản lượng dầu) được thực hiện.

Tuy nhiên, mức cắt giảm sản lượng dầu trên vẫn còn thấp hơn so với mức sụt giảm nhu cầu dầu, theo một số nhà dự báo, có thể lên tới 30 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020.

Nhà phân tích Virendra Chauhan của Energy Aspects nhận định, ngay cả khi các nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu nói trên đã ngăn được đà giảm của giá dầu song cũng khó đẩy giá “vàng đen” đi lên do quy mô dầu dự trữ khá lớn hiện nay.

Theo chuyên gia này, việc không có những cam kết cắt giảm sản lượng mạnh mẽ của Mỹ hay các nước thành viên khác của G20 là “một lỗ hổng” của thỏa thuận cắt giảm sản lượng mang tính lịch sử nói trên.

Các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới như Mỹ, Canada và Na Uy vẫn chưa cam kết công khai hạn ngạch sản lượng dầu trong nước. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Mỹ ngày 13/4 cho biết sản lượng dầu đá phiến của Mỹ - chiếm khoảng 75% tổng sản lượng dầu thô của nước này - dự kiến giảm gần 400.000 thùng/ngày trong tháng 5/2020.

Còn các nước sản xuất dầu ở khu vực Trung Đông như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Kuwait có thể giảm sản lượng dầu nhiều hơn mức cắt giảm 23% mà họ đã cam kết.

Theo các nhà phân tích tại Bank of America, với thỏa thuận cắt giảm mạnh sản lượng dầu nói trên của OPEC+, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ có thể tránh được trường hợp xấu nhất là phải giảm sản lượng dầu 3,5 triệu thùng/ngày và sẽ chỉ giảm 1,8 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, ông Takashi Tsukioka, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Nhật Bản (PAJ), cho rằng thỏa thuận trên không đạt được mức cắt giảm sản lượng dầu như dự đoán trước đó của thị trường và hy vọng OPEC+ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán để ổn định thị trường dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.