Kinh tế Ukraine đón nhận tín hiệu phục hồi trong quý 3

Kinh tế Ukraine ghi nhận dấu hiệu phục hồi sau khi trải qua sáu quý liên tiếp suy giảm do khủng hoảng và bất ổn, với tốc độ tăng trưởng trong quý 3/2015 ở mức khiêm tốn +0,7% so với quý 2.
Kinh tế Ukraine đón nhận tín hiệu phục hồi trong quý 3 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế Ukraine ghi nhận dấu hiệu phục hồi sau khi trải qua sáu quý liên tiếp suy giảm do khủng hoảng và bất ổn, với tốc độ tăng trưởng trong quý ​3/2015 ở mức khiêm tốn +0,7% so với quý ​2.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Ukraine, so với cùng kỳ năm 2014, GDP quý 3 của Ukraine giảm 7%.

Đất nước đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế này đã đàm phán để nhận được gói cứu trợ tài chính trị giá 17,5 tỷ USD kéo dài 4 năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.

IMF dự báo kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 11% trong năm 2015, và tăng trưởng phục hồi, ước tính khoảng 2% vào năm 2016.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3 tỷ USD mà nước này cho Ukraine vay, trong vòng 3 năm và sắp tới sẽ thảo luận chi tiết đề xuất này với các đối tác.

Phát biểu với báo giới sau Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin nêu rõ: "Chúng tôi không chỉ đồng ý tái cơ cấu khoản nợ của Ukraine, chúng tôi còn đưa ra những điều kiện tái cơ cấu tốt nhất so với những gì IMF yêu cầu chúng tôi."

Ông Putin giải thích Nga đã đưa ra một "đề xuất bất ngờ" với các đối tác để đảm bảo thu hồi được nợ và không đẩy Ukraine vào tình thế khó khăn. Tổng thống Nga hy vọng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các định chế tài chính quốc tế sẽ bảo lãnh cho việc Kiev trả nợ Nga.

Tổng thống Putin cho biết Moskva hy vọng sẽ giải quyết vấn đề này vào đầu tháng 12, có tính đến lịch trình của IMF. Ông cho biết đã thảo luận vấn đề này với Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew. Ông bày tỏ tin tưởng đề xuất của Moskva sẽ nhận "sự được quan tâm" và được thảo luận chi tiết với các đối tác trong tương lai gần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.