Kinh tế và công nghiệp Eurozone hưởng lợi khi giá dầu giảm

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá dầu giảm có tác động tích cực đến nền kinh tế Eurozone khi chỉ số lòng tin kinh tế trong toàn khu vực trong tháng Bảy đã vượt mức kỳ vọng là 103,8 điểm.
Trạm bơm tại mỏ dầu Kern River ở Bakersfield, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong vòng một năm trở lại đây, giá dầu mỏ thế giới đã giảm hơn 50% (xuống đến mức 37 USD/thùng ngày 27/8) và dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức giá thấp, dưới 50 USD/ thùng.

Các tạp chí chuyên về kinh tế của Pháp như La Tribune, LesEchos, Challenge... đều có chung nhận định giá "vàng đen" giảm kéo theo tác động tiêu cực cho các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Venezuela, các nước Trung Đông, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho các nước phải nhập khẩu nhiều dầu mỏ, trong đó các nước Tây Âu thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung giá dầu giảm có tác động tích cực đến nền kinh tế Eurozone. Chỉ số lòng tin kinh tế trong toàn khu vực trong tháng Bảy đã tăng lên mức 104,2 điểm so với 104 điểm trong tháng Sáu và vượt mức kỳ vọng là 103,8 điểm.

Chỉ số lạm phát toàn Eurozone cũng được duy trì ổn định ở 0,2%, trong khi chỉ số tăng trưởng chung trong năm 2015 cũng được dự báo ở mức 1%.

Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm cũng đem lại thuận lợi rất lớn cho các ngành sản xuất công nghiệp nói chung, đặc biệt là công nghiệp hóa chất.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tính riêng với Pháp, ngành công nghiệp hóa chất hàng năm phải chi gần 10 tỷ euro cho tiêu thụ dầu và khí đốt, vì thế, nếu giá dầu tiếp tục giao dịch quanh mức 50 USD/thùng thì ngành công nghiệp hóa chất Pháp tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ euro/ năm. Ngoài ra, các ngành công nghiệp như sản xuất giấy, công nghiệp nhựa, giao thông vận tải cũng được hưởng lợi khi giá dầu giảm.

Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng khiến ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu gặp khó khăn, ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân cũng bị ảnh hưởng buộc Chính phủ Pháp phải đưa ra các giải pháp hỗ trợ tập đoàn năng lượng nguyên tử Areva. Trong khi đó, nền kinh tế Nga, quốc gia có doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 50% ngân sách, cũng đang vật lộn khi giá dầu giảm sâu và đồng ruble liên tục mất giá.

Trước những diễn biến trái chiều khi giá dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây, ngày 31/8 vừa qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố sẵn sàng tiến hành đàm phán với các nước khai thác dầu không thuộc tổ chức này để ổn định giá dầu mỏ trên thị trường thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục