Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Ibrahim al-Assaf vừa cho biết Saudi Arabia sẽ cắt giảm chi tiêu ngân sách và phát hành thêm trái phiếu, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab và cũng là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này đang đối mặt với tình trạng thâm thủng ngân sách kỷ lục do giá dầu suy giảm mạnh trong một năm qua.
Ông al-Assaf cho hay từ trước tới nay, Saudi Arabia dựa chủ yếu vào nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngân sách, nhưng giá dầu sụt mạnh thời gian qua khiến Riyadh phải đưa ra các biện pháp khắc khổ. Ông không cung cấp thêm chi tiết về quy mô cắt giảm chi tiêu, song nói rằng các khoản chi chủ chốt cho lĩnh vực y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng sẽ không bị ảnh hưởng.
Cho tới nay, Saudi Arabia đã phát hành hơn 100 tỷ riyal (27 tỷ USD) trái phiếu nhưng con số này không thấm vào đâu so với các khoản chi khổng lồ. Saudi Arabia dự báo thâm hụt ngân sách của nước này trong năm nay sẽ ở mức 39 tỷ USD.
Hồi tháng 7/2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Saudi Arabia sẽ đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục 130 tỷ USD (tương đương 20% GDP). Còn hãng đầu tư Jadwa Investment của Saudi Arabia đưa ra con số thâm hụt tài chính là 109 tỷ USD trong năm 2015.
Trong một năm qua, giá dầu mỏ đã giảm hơn một nửa xuống dưới 50 USD/thùng, khiến Saudi Arabia bị thâm hụt ngân sách 17,5 tỷ USD năm 2014, đánh dấu lần thâm hụt thứ hai kể từ năm 2002.
Theo hãng đầu tư Jadwa, tính đến cuối tháng 7/2015, dự trữ ngoại tệ của Saudi Arabia đã giảm 82 tỷ USD, xuống còn 650 tỷ USD và sẽ giảm nữa xuống 629 tỷ USD vào cuối năm nay. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia sẽ giảm từ 3,5% năm 2014 xuống 2,8% năm nay và 2,4% năm 2016.
Sản lượng dầu của Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã giảm từ 10,6 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2015 xuống 10,4 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2015./.