Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 11/8, cả nước ghi nhận 8.766 ca mắc mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 8.752 ca trong nước.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh có 3.416 ca, Bình Dương (1.897 ca), Đồng Nai (979 ca), Long An (963 ca), Tây Ninh (263 ca), Đồng Tháp (191 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (181 ca), Tiền Giang (177 ca), Cần Thơ (103 ca), Khánh Hòa (102 ca), Bình Thuận (68 ca), Phú Yên (66 ca), Vĩnh Long (63 ca), Đà Nẵng (56 ca), Hà Nội (40 ca), An Giang (39 ca), Bình Phước, Ninh Thuận , Sơn La (mỗi địa phương 19 ca), Nghệ An (16 ca), Quảng Ngãi (14 ca), Thanh Hóa (13 ca), Kiên Giang (12 ca), Bình Định (10 ca), Hà Tĩnh (9 ca), Hải Dương, Quảng Nam (mỗi địa phương 4 ca), Nam Định (3 ca), Bạc Liêu (2 ca), Cà Mau, Lạng Sơn, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (mỗi địa phương 1 ca), trong đó có 1.786 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều 11/8, Việt Nam có 236.901 ca mắc trong đó có 2.381 ca nhập cảnh và 234.520 ca trong nước. Số ca mắc ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 232.950 ca. 82.380 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Ngày 11/8 có 4.806 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 85.154 ca. Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước, 489 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU, 21 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
[Vượt 33.700 ca mắc, Bình Dương xin phân bổ khẩn 1 triệu liều vaccine]
Trong 24 giờ qua, các cơ sở đã thực hiện 119.429 xét nghiệm cho 169.214 lượt người; từ ngày 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 7.525.492 mẫu cho 20.877.304 lượt người. Tổng số đã tiêm 11.341.864 liều vaccine, trong đó tiêm 1 mũi là 10.305.762 liều, tiêm mũi 2 là 1.036.102 liều.
Chiều 11/8, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo, Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 342 ca tử vong (từ số 4146-4487).
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 261 ca, Cần Thơ (24 ca), Bình Dương (22 ca), Đồng Nai (11 ca), Đồng Tháp và Long An (mỗi địa phương 10 ca), Tiền Giang (2 ca), Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu (mỗi địa phương 1 ca).
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong phòng, chống dịch
Chiều 11/8, dưới sự chủ trì, điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2021.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 đã có nhiều văn bản chỉ đạo thống nhất, với các giải pháp, cách làm thống nhất từ Trung ương cơ sở.
Song đây là vấn đề chưa có tiền lệ, tình hình dịch bệnh lại diễn biến nhanh do chủng virus mới, do đó, trong quá trình thực hiện phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa tổng kết, sơ kết, kịp thời phát hiện những vấn đề chưa phù hợp để hoàn thiện dần.
Theo Thủ tướng, trong lúc này, chúng ta tập trung ưu tiên cho chống dịch, vì chống dịch thành công, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi kinh tế-xã hội thuận lợi hơn. Tuy nhiên cũng cố gắng duy trì, phát triển kinh tế để có tiềm lực để phòng, chống dịch.
Thủ tướng nêu rõ, hiện nay việc tiếp cận không bình đẳng trên thế giới, dẫn đến khả năng khan hiếm từ nay đến tháng 10/2021. Chiến lược vaccine của chúng ta là hoàn toàn đúng đắn.
Thủ tướng Chính phủ cũng nỗ lực thực hiện ngoại giao vaccine, đích thân tiếp xúc, gửi thư và điện đàm với hơn 20 lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đề cập đến vấn đề vaccine. Tuy nhiên, tình hình vẫn rất khó khăn, do đó các cơ quan, đơn vị, địa phương cần hiểu và thực hiện tiếp cận bình đẳng các loại vaccine.
Bên cạnh thúc đẩy nhập khẩu vaccine, Chính phủ, các cơ quan liên quan cũng đẩy mạnh chuyển giao, nghiên cứu để sản xuất vaccine trong nước và đang có triển vọng tốt. Tuy nhiên, việc sản xuất, công nhận vaccine sản xuất trong nước cần thời gian do phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khoa học và pháp lý.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 225.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 224.000 ca trong nước (99%), 77.531 người đã khỏi bệnh (34%), 4.110 ca tử vong; có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).
Nguyên nhân đợt dịch thứ 4 lây lan rộng và kéo dài là do biến thể Delta với khả năng lây lan rất nhanh và mạnh, có thể lây trong không khí và phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn; chu kỳ lây nhiễm ngắn làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, lây lan rất nhanh, mạnh trong không gian kín, đặc biệt là trong nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam. Một số tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch trở lại đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội.
Tại các địa phương khác, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để...
Cả nước đã tiêm 11/18 triệu liều vaccine đã cấp
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, chiều 11/8, tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tốc độ tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện cả nước tiêm được 11 triệu/18 triệu liều vaccine đã cấp (đạt 65%) và số liệu đang cập nhật hơi chậm so với tốc độ tiêm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong số hơn 4 triệu liều được cấp, đã tiêm được hơn 3,5 triệu liều (88,2%). Trong ngày 12/8, thành phố sẽ tiêm hết số vaccine được cấp, dự kiến tiếp tục triển khai tiêm vaccine khác.
Hà Nội được cấp gần 3 triệu liều, hiện tại đã tiêm 1,5 triệu liều (trên 50%). Trong những ngày tới sẽ tăng tốc, thúc đẩy tốc độ tiêm chủng cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ: Bộ Y tế đã tiến hành hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch cụ thể với số vaccine dự kiến được cấp, chủ động trong việc triển khai tiêm chủng; có công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương tiêm vaccine, không để tồn vaccine trong kho. Nếu tỉnh nào không dùng hết sẽ chuyển vaccine cho tỉnh khác.
Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng đảm bảo an toàn, tiêm mũi nào an toàn mũi đấy, từ công tác chuẩn bị, dụng cụ, thuốc men, xe lưu động, các cơ sở hồi sức cấp cứu đều phục vụ tốt việc tiêm chủng.
Tới đây, khi vaccine về nhiều hơn, ngành y tế sẽ tăng tốc cho việc tiêm vaccine. Dự kiến Bộ Y tế kết hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ tiêm tối đa 2 triệu mũi vaccine trong 1 ngày.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện Bộ Y tế đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thành lập 141 bệnh viện dã chiến và nhiều Trung tâm Hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của Bộ phối hợp với thành phố.
Với một số vùng trọng điểm phía Nam, Bộ đã phân công một số bệnh viện trực thuộc Bộ thiết lập Trung tâm Hồi sức đủ cho đáp ứng điều trị. Với các tỉnh, Bộ cử các nhóm công tác bao gồm các chuyên gia phòng bệnh, truy vết, điều trị, hồi sức hỗ trợ các tỉnh một cách nhanh nhất, thường xuyên gửi báo cáo về Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch.
Mới đây, Bộ Y tế chuyển 10.000 liều thuốc nhập khẩu của Ấn Độ về kịp thời cung cấp cho công tác điều trị bệnh nhân tại các tỉnh phía Nam. Ngành Y tế điều động hơn 11.000 cán bộ, sinh viên hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Khám sàng lọc, chọn người tình nguyện tiêm thử nghiệm mũi 1 vaccine COVID-19 Covivac giai đoạn 2
Việc khám sàng lọc, chọn người tình nguyện tiêm thử nghiệm mũi 1 vaccine COVID-19 Covivac giai đoạn 2 của Việt Nam bắt đầu được thực hiện từ ngày 11/8 với nhiều thay đổi so với trước đó. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vaccine COVID-19 Covivac.
Trước đó, tại Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 1 vaccine COVID-19 Covivac.
Vaccine này được đánh giá an toàn, dung nạp tốt, có tính sinh miễn dịch trên cả các liều thử nghiệm trên 120 người tình nguyện tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Hội đồng cũng đã chấp thuận chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine COVID-19 Covivac. Từ ngày 11/8 sẽ tiến hành khám sàng lọc, chọn người tình nguyện phù hợp tiêm mũi 1, giai đoạn 2 vaccin Covivac.
Đến ngày 18/8 sẽ tiến hành tiêm mũi đầu tiên.Vaccine COVID-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển. Đây là vaccine thứ 2 thử nghiệm lâm sàng trên người tại Việt Nam.../.