Kịp thời, quyết liệt ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cống Tân Phú thuộc Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre tại huyện Châu Thành (Bến Tre) ngăn nước mặn xâm nhập từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)
Cống Tân Phú thuộc Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre tại huyện Châu Thành (Bến Tre) ngăn nước mặn xâm nhập từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.

Triển khai các giải pháp ứng phó

Những ngày qua, các tỉnh Nam Bộ đã xảy ra nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, nhiều hộ dân đã gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thuộc địa bàn huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) giáp với Vương quốc Campuchia và tỉnh Đắk Nông, có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Bình Phước với gần 26.000 ha; trong đó có 17.700ha cây lồ ô thuần loài và xen gỗ - loài cây rất dễ cháy vào mùa khô.

Vì vậy, hơn 3 tháng qua, lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập và cộng đồng giao khoán rừng luôn trong tư thế “căng mình” tuần tra, canh gác tại các tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Ông Hoàng Anh An, kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết: Vườn đã đôn đốc cộng đồng nhận khoán rừng cùng tuần tra, kiểm tra khu vực phòng, chống cháy. Để đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng,

Vườn phân công từng tổ, nhóm trực tại các điểm dễ cháy, các điểm nguy cơ “lâm tặc” qua để ngăn chặn, đề phòng từ xa. Lực lượng kiểm lâm của Vườn còn thay phiên nhau tuần tra những điểm nóng dễ xảy ra cháy rừng.

TTXVN_1203hanman.jpg
Đo nồng độ mặn tại cống Kênh Lầu ở Hậu Giang . (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)

Trong mùa khô, Ban Quản lý Vườn liên tục tuyên truyền người dân cẩn thận khi dùng lửa dọn rẫy; tổ chức cho người dân ký cam kết đốt dọn cần phải báo cáo trước cho kiểm lâm, cộng đồng giữ rừng để giám sát.

Trong thời gian cao điểm mùa khô, cộng đồng giữ rừng chốt, cùng ăn, cùng ở với lực lượng Kiểm lâm của Vườn nhằm tạo thuận lợi cho việc tuần tra 24/24 giờ. Hai năm nay, Vườn áp dụng máy bay không người lái để giảm sức lao động của kiểm lâm viên.

Trước nguy cơ cháy rừng tăng cao, đơn vị đã yêu cầu tăng cường bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng nhằm bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt quan trọng.

Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên khu vực biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia và vùng đô thị của các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông và các thành phố: Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc.

Nhiệt độ cao nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh từ 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm thấp nhất từ 50-60%. Thời gian nắng nóng trong ngày khoảng từ 11 giờ 30 phút đến 15 giờ 30 phút.

Đề phòng nắng nóng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề nghị, các huyện, thành phố trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật, khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, không đủ nước; bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn; thông tin dự báo về nguồn nước để người dân biết, chủ động sản xuất, sinh hoạt trước tình hình hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn.

Tại Cà Mau khô hạn diễn ra gay gắt đã khiến hơn 3.000 hộ dân địa phương thiếu nước sạch sinh hoạt, nhiều vùng thiếu nước nghiêm trọng. Điển hình xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có trên 1.800 hộ dân, trong đó có tới 450 hộ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Biển Bạch) cho biết, để tiết kiệm tiền nước, gia đình ông phải kết hợp giữa sử dụng nước ngọt với nước mặn cho các hoạt động không thiết yếu. Dù sử dụng tiết kiệm nhưng từ đầu mùa khô đến nay, gia đình ông đã phải trả đến hơn 2,5 triệu đồng tiền mua nước ngọt. Đường ống nước cấp vào đến tận nhà ông nhưng đã 5 tháng nay không có giọt nước nào.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nâng cấp hệ thống cấp nước sạch nông thôn; sửa chữa, khoan mới các giếng khoan quy mô gia đình và các điểm cấp nước tập trung; hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân…, hạn chế thấp nhất tình trạng người dân bị thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô năm nay.

Hiện nay hạn mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng của hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây (Long An), độ mặn là 1gr/lít và đã tới cầu Tân An, thuộc thành phố Tân An. Đảm bảo cho sản xuất mùa vụ của nông dân, ngành Nông nghiệp kiểm tra và đã đóng các cống ở khu vực ở phía Nam như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ,…

Riêng tuyến Quốc lộ 62 thuộc phía Bắc của tỉnh, các cống sẵn sàng đóng lại khi độ mặn lên cao. Các ngành chức năng Long An tổ chức theo dõi, đo đạc tình hình chất lượng nước, xâm nhập mặn trên các tuyến sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng; thường xuyên liên hệ, phối hợp, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo về tình trạng xâm nhập mặn, diễn biến nguồn nước nhằm kịp thời thông báo chính quyền địa phương và người dân nắm biết để chủ động chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Dự báo mặn tăng cao

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 10-15/3 có khả năng sẽ xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Từ ngày 11-20/3, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng dần đến giữa tuần, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2023.

TTXVN_1203hanman2.jpg
Cống Rạch Gầm (Tiền Giang) vận hành tự do, tranh thủ trữ ngọt trong nội đồng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, với tình hình các hồ thủy điện thượng nguồn xả nước cầm chừng như hiện nay, dự báo mặn tăng cao hơn trong tháng 3/2024. Cụ thể, vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ có mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm.

Dù nguồn nước ít nhưng vẫn có thể đảm bảo bơm tưới.Vùng giữa và khu vực ven biển Đông Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm phần đất thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre.

Dự báo trong tháng 3 mặn đạt đỉnh vào các kỳ 10-13/3 và 24-26/3 với ranh mặn 4g/l có thể vào 50-60km. Tuy nhiên, gió Chướng có thể làm mặn vào sâu hơn so với dự báo 5-10km.

Trong thời gian 10 -13/3, mặn có khả năng đạt đỉnh, ảnh hưởng đến sản xuất và cấp nước sinh hoạt ở khu vực Tiền Giang và Bến Tre.Khu vực ảnh hưởng mặn sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc các tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang. Dự báo mặn tháng 3 lên cao vào kỳ 15 - 17/3, mặn 4g/l vào sâu 50-55km.

Nhận định chung tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3/2024 (từ 10-14/3, từ 24-28/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024 (từ 10-13/3, từ 24-28/3, từ 8-13/4, từ 22-28/4).

Trước tình hình xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 8/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh: Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến nguồn nước, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước trên sông Mekong và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, xâm nhập mặn, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến để có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương nghiên cứu, triển khai các phương án để từng bước chủ động nguồn nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn hàng năm.

Các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân theo chức năng quản lý nhà nước được giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục