Cách đây 10 năm “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể đại diện cho nhân loại” (nay là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”).
Từ khi được vinh danh đến nay, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, tại tỉnh Kon Tum, việc truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho các thế hệ sau đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để tiếp tục phát huy và bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, tỉnh Kon Tum đã đầu tư kinh phí để chính quyền các cấp cùng với ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với các nghệ nhân mở các lớp truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cho người dân tại các buôn, làng đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, theo các nghệ nhân, việc truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng đang gặp nhiều khó khăn. Đối với những làng ở gần các trung tâm huyện, thị xã, thành phố, một bộ phận thanh, thiếu niên có biểu hiện xa rời nét văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, sự khan hiếm của các nhạc cụ dân tộc, sự “chảy máu” của các bộ cồng chiêng cũng khiến cho việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn.
Nghệ nhân A Thak, làng Pa Cheng, xã Đắk Long, huyện Đắk Hà (Kon Tum) trăn trở việc truyền dạy gặp khó khăn do không có cồng chiêng. Nếu không có sự đầu tư để truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng cho lớp trẻ, nghệ thuật này sẽ bị mai một phần nào.
Hiện nay ở nhiều thôn, làng trên địa bàn tỉnh Kon Tum không có cồng chiêng, mỗi khi truyền dạy, các nghệ nhân phải đi mượn của làng khác. Mặt khác, sau khi đã được truyền dạy nhưng lại không có cồng chiêng để duy trì hoạt động, mọi người rất dễ quên cách đánh.
Theo nghệ nhân Y Blưn, làng Kon Tum Kơ Pơng, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, việc “chảy máu cồng chiêng” đang khiến việc truyền dạy, lưu giữ và phát triển nét văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn. Không có cồng chiêng khiến nhiều thanh, thiếu niên dần quên những kỹ năng, nghệ thuật đánh cồng chiêng.
Trước những khó khăn này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đã tăng cường tuyên truyền, cấp kinh phí mở các lớp truyền dạy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian. Hàng năm, tỉnh tổ chức các cuộc thi hát sử thi, biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc; đưa nghệ thuật cồng chiêng vào giảng dạy trong các trường học.
Ông Phan Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết trong những năm qua, công tác truyền dạy, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống đã được đẩy mạnh, được các cấp, các ngành ở Kon Tum đặc biệt quan tâm. Hiện trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được hơn 1.900 bộ cồng chiêng các loại. Nhưng việc truyền dạy bộ môn này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là ở các làng vùng sâu, vùng xa. Các hoạt động về văn hóa cồng chiêng, các môn nghệ thuật chưa được tổ chức thường xuyên.
Để bảo tồn giá trị phi vật thể của nghệ thuật cồng chiêng, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã tổ chức được 26 lớp truyền dạy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cho gần 600 người. Hiện toàn tỉnh có trên 300 đội nghệ nhân cồng chiêng và gần 2.000 bộ cồng chiêng, phục vụ đời sống tâm linh và biểu diễn tại các lễ hội ở Tây Nguyên./.