Ngày 26/9, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán chuyên đề về "Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022," tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Hải Phòng.
Kết quả kiểm toán cho thấy số thu tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền, nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế hàng trăm tỷ đồng.
Trồng rừng thay thế mới đạt 60%
Theo báo cáo Kiểm toán, từ khi thành lập Quỹ đến ngày 31/3/2023, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Thành phố Hải Phòng đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi là 5.470 ha rừng (rừng tự nhiên 170 ha, rừng trồng 5.299 ha) sang mục đích khác.
[Nói “không” với sản xuất nông nghiệp gây phá rừng: Tránh hô khẩu hiệu]
Theo đó, diện tích rừng phải trồng thay thế là 5.607 ha. Tuy nhiên đến nay, diện tích rừng đã trồng thay thế mới đạt 3.341 (bằng 60% so với diện tích phải trồng). Diện tích còn phải trồng là 2.274 ha (trong đó Quảng Ninh là 2.065 ha, Hải Dương 28 ha, Bắc Giang 128, Hải Phòng 52 ha).
Về tình hình thu-chi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (giai đoạn 2020-2022) đến ngày 31/3, tổng số thu trong kỳ 541 tỷ đồng (trong đó thu tiền trồng rừng thay thế 491 tỷ đồng, dịch vụ môi trường rừng 36 tỷ đồng và lãi tiền gửi). Bên cạnh đó, số đã chi 106 tỷ đồng (trong đó chi trồng rừng thay thế 86 tỷ đồng, dịch vụ môi trường rừng 17 tỷ đồng và chi quản lý, dự phòng chi).
Kết số dư cuối kỳ là 517 tỷ đồng. Đáng chú ý, số thu tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng (kể từ ngày chủ dự án nộp tiền), nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng là 275 tỷ đồng.
Chưa quan tâm kiểm tra, giám sát
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy 3 địa phương (ngoại trừ Hải Dương) đã thành lập được Quỹ. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát của ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Việc chấp hành chế độ báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ…
Đáng lưu ý, Hải Dương đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng tại 2 dự án, bao gồm cả diện tích đất rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Ở một động thái khác, Hải Dương và Bắc Giang lại chưa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế (Hải Dương 5 dự án, Bắc Giang 35 dự án).
Chưa hết, Bắc Giang và Hải Phòng khi quyết định phương án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế song không xác định rõ thuộc trường hợp ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn.
Thậm chí có trường hợp, các địa phương đã chấp thuận phương án nộp tiền và thu tiền trồng rừng thay thế, nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa giao kế hoạch cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích rừng trồng thay thế (cụ thể, Quảng Ninh 1.913 ha chưa giao kế hoạch, Bắc Giang 128 ha chưa giao kế hoạch).
Về công tác quản lý thu của Quỹ đến thời điểm kết thúc kiểm toán, Hải Dương chưa thực hiện xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực (nằm trong địa giới hành chính của tỉnh) để trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Địa phương này cũng chưa thực hiện rà soát, xác định xem các tổ chức có thuộc đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định, chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trong khi đó, Hải Phòng cũng chưa hoàn thành việc xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chưa xác định diện tích rừng được chi trả và đối tượng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Tương tự, Quảng Ninh đến thời điển này chưa rà soát, xác định đối tượng, ký hợp đồng uỷ thác chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 đối với các đơn vị được ký hợp đồng bắt đầu từ năm 202. Trong số đó, Công ty Nhiệt điện Uông Bí chưa thống nhất ký hợp đồng ủy thác thu dịch vụ môi trường rừng, chưa đăng ký kế hoạch, chưa nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng các năm 2020, 2021, 2022.
Xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân
Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị ủy ban nhân dân các tỉnh kiểm tra, rà soát để khắc phục, xử lý và xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý theo đúng quy định của pháp luật).
Các địa phương tổng hợp báo cáo và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành quy định, hướng dẫn xử lý các trường hợp chậm nộp tiền trồng rừng thay thế so với thời hạn được quy định.
Ngoài ra, các địa phương tổng hợp báo cáo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, nguồn thu tiền trồng rừng thay thế còn dư tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, do chưa bố trí được quỹ đất để trồng rừng thay thế.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 2,04 ha đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản.
Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu Hải Dương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng (diện tích 3,9 ha) sang loại rừng sản xuất.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước để nghị Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cần sớm có văn bản hướng dẫn Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang trong việc chuyển kinh phí trồng rừng thay thế đã thu quá thời hạn 12 tháng (kể từ khi chủ dự án nộp tiền) nhưng địa phương không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế theo đúng quy định./.