Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 19 ngày

Tại kỳ họp diễn ra theo hình thức trực tuyến (từ ngày 20-27/10) và tập trung (từ ngày 2-17/11), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến với 4 dự án luật khác.
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 19 ngày ảnh 1Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 19/10, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp tục họp trực tuyến và tập trung

Thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng 20/10/2020. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong 19 ngày.

Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-27/10/2020); Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 2-17/11/2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 17/11/2020.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 37% tổng thời gian của Kỳ họp). Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác.

Cụ thể, các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 (gồm báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực; kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng); các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020: phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch: tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

[Lấy ý kiến đại biểu về việc tiếp tục hình thức họp Quốc hội trực tuyến]

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020; xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; nghe Báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 19 ngày ảnh 2Phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí dự họp báo. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo, tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Do đây là kỳ họp cuối năm và là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên Quốc hội không tiến hành giám sát chuyên đề.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự. Cụ thể, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phê chuẩn việc miễn nhiệm nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).

Tập trung đầu tư, đảm bảo an toàn hồ đập

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời một số vấn đề mà báo chí quan tâm.

Thông tin thêm về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có cuộc giám sát về nội dung này tại một số địa phương.

Sau đó, Đoàn đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng có kiến nghị với Chính phủ về vấn đề này. Tại Kỳ họp thứ 10, trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, các đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước sẽ được xem video clip để thấy được rõ hơn mức độ an toàn hồ đập.

Quốc hội cũng xem xét về việc xây dựng Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận; Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Hai hồ này do sử dụng đất rừng nên phải được sự cho phép của Quốc hội. “Nguyên tắc là sử dụng trên 5ha đất rừng phòng hộ thì phải báo cáo Quốc hội,” Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 19 ngày ảnh 3Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh dự họp báo. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nhấn mạnh vấn đề an toàn hồ đập là rất quan trọng trong tình hình mưa lũ hiện nay, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong Nghị quyết chung của Quốc hội, liên quan đến vấn đề kinh tế-xã hội sẽ có nội dung về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Qua giám sát sẽ có cái nhìn toàn cảnh, từ đó tập trung kinh phí đầu tư cho các hồ đập, đảm bảo an toàn hồ đập.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phê chuẩn bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay ông Lê Minh Hưng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, theo quy trình, khi Quốc hội miễn nhiệm thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự thay thế.

“Đến giờ này chưa nhận được văn bản đề nghị của Thủ tướng về việc phê chuẩn bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc phê chuẩn bổ nhiệm thành viên Chính phủ, Thủ tướng phải có văn bản báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để tiến hành thủ tục,” ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, Quốc hội sẽ dành phút mặc niệm tưởng nhớ Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Quốc hội cũng chia sẻ sự mất mát của đồng bào miền Trung, thân nhân cán bộ, chiến sỹ gặp nạn do thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục