Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, do Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký gửi các đại biểu Quốc hội cho thấy, đến nay, các các bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ.
Giảm đầu mối
Theo Bộ trưởng Nội vụ, tinh thần của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, trong đề án về cơ cấu tổ chức Chính phủ giai đoạn 2021-2026 có đặt yêu cầu sắp xếp bộ máy bên trong bộ, ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành đã tập trung sắp xếp lại, cắt giảm các đầu mối và tầng nấc trung gian, giảm bớt những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng và có sự giao thoa giữa các bộ, ngành. Khi xây dựng nghị định về nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành phải gắn với sắp xếp bộ máy bên trong, trong đó tập trung vào sắp xếp các tổng cục và tương đương.
Thời gian qua, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập được tập trung triển khai thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và các quy định của Quốc hội và Chính phủ. Đến 30/9, các bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục (còn 13 tổng cục); giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm được 90% phòng trong vụ và 22 đơn vị sự nghiệp. Đi liền với việc cắt giảm bộ máy, số lãnh đạo phải sắp xếp, giải quyết là trên 500 người.
Về phía các địa phương, giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc sở và thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành, địa phương đến nay có 47.744 đơn vị, giảm 7.469 đơn vị, đạt 13,5%.
Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua đã được những kết quả quan trọng, toàn diện. Việc giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) vượt chỉ tiêu 10% đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương. Các tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh được sắp xếp, thu gọn một bước.
"Trong quá trình sắp xếp, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, chúng ta phải làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự thống nhất, đồng thuận. Bởi một số tổng cục có tính lịch sử và tiền thân là một bộ. Qua quá trình sắp xếp lại thành tổng cục và nay lại trở thành cục là một điều không đơn giản. Đến nay, việc sắp xếp đã được giải quyết khá cơ bản," Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Tăng tự chủ
Thực hiện các quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án và tổ chức triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm mục tiêu đạt ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vị quản lý của mình tự chủ về tài chính theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.
[Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức]
Tính đến thời điểm 31/12/2021, trong tổng số 47.744 đơn vị sự nghiệp công lập của toàn quốc, có 287 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (chiếm 0,6%); 2.848 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (chiếm 5,97%); 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (chiếm 18,7%); 35.687 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (chiếm 74,7%). Như vậy, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên là 3.135 đơn vị, tương ứng 6,6% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương; trong đó các bộ, ngành Trung ương có 370 đơn vị, địa phương có 2.765 đơn vị.
Tổ chức bộ máy chưa bảo đảm tinh gọn
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đánh giá kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy chỉ là bước đầu, chưa bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa hoàn thành nhiệm vụ hoàn thiện thể chế theo quy định của Chính phủ, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý trong việc sắp xếp, tổ chức lại và thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương (nhất là trong việc xác định định mức, đơn giá đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công của một số bộ, ngành chưa kịp thời).
Chậm chuyển đổi phương thức cấp phát, phân bổ, bố trí ngân sách theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW (từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng và thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ) để giao tự chủ về tài chính trong việc sử dụng nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguyên nhân là do việc rà soát để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra (nhất là đổi mới cơ chế hoạt động và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập) theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật. Người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành và các tổ chức trực thuộc bộ, ngành mình; chưa quyết liệt hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trực thuộc để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế; chưa chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trọng tâm là thu gọn đầu mối hành chính và nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập (tiêu chí, điều kiện thành lập, mô hình tổ chức quản lý...), thuộc ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ; xác định rõ lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật về giá, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, miền.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, xác định rõ lộ trình tự chủ phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ và yêu cầu về tự chủ tài chính; đẩy mạnh thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động rà soát vướng mắc về tài sản, đất đai, tài chính đề xuất cơ quan đại diện chủ sở hữu phương án xử lý; thay đổi bộ máy, cơ cấu quản lý hành chính, nhân sự, tài chính phù hợp với mô hình quản lý của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh./.