Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Nội dung chính ngày làm việc thứ 20

Trong ngày làm việc thứ 20 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Nội dung chính ngày làm việc thứ 20 ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 21/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 20 của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phiên thảo luận đã có 56 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu đánh giá việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức chu đáo, hiệu quả.

Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu, giải trình nghiêm túc. Các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: tính khả thi của các quy định nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng đất, nhất là 8 nhóm vấn đề trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác; tính phù hợp, khả thi của các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế xác định giá đất.

Các đại biểu thảo luận về cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; cơ chế, chính sách thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các quy định về giá đất; các hình thức giao đất và cho thuê đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất trả tiền hằng năm; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất.

Các đại biểu cũng thảo luận về cơ chế, chính sách về chế độ sử dụng đất, về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất cho mục đích hoạt động tôn giáo, đất cho mục đích giáo dục...

["Cách định giá đất mới sẽ đảm bảo chống tiêu cực, sát với thị trường"]

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lí dự án Luật.

Quốc hội ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, các chuyên gia, các nhà khoa học đã quan tâm, đầu tư thời gian, công sức, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời mong muốn nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo chất lượng, tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành.

Sáng mai (22/6), Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi).

Chiều 22/6, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục