Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình đề ra

Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình đề ra ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc tại Nhà Quốc hội chiều 29/7, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng và Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Minh Hiếu chủ trì cuộc họp báo.

Hoàn thành chương trình đề ra

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nội dung trọng tâm là xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XIV; Nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ.

Công tác nhân sự tại kỳ họp này được thực hiện đúng quy định của pháp luật, triển khai chặt chẽ, phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ của đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.

Kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đạt tỷ lệ tán thành cao, thể hiện sự đồng thuận, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, ủng hộ.

Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, bốn Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm chín Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và bốn cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bổ nhiệm năm Phó Thủ tướng Chính phủ, 17 Bộ trưởng, bốn Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; phê chuẩn danh sách một Phó Chủ tịch và bốn Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện thủ tục tuyên thệ, thể hiện mạnh mẽ sự quyết tâm hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Để bảo đảm hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên thường trực và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khóa XIV. Đây là lần đầu tiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện thẩm quyền này theo quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội năm 2014.

Xây dựng một Quốc hội do dân, vì dân

Trả lời câu hỏi về các giải pháp để tăng cường chất lượng công tác giám sát trong thời tới, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc Quốc hội quyết định lựa chọn các nội dung giám sát chuyên đề đã được thực hiện theo một trình tự rất chặt chẽ.

Trên cơ sở xin ý kiến của 77 cơ quan, tổ chức, đơn vị về các nội dung liên quan tới giám sát năm 2017, thu được 189 ý kiến về các lĩnh vực đề nghị Quốc hội giám sát.

Tổng thư ký Quốc hội đã gom vào 30 vấn đề. Trên cơ sở họp rà soát của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đã lựa chọn ra sáu vấn đề lớn để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn bốn nội dung giám sát chuyên đề trình Quốc hội xem xét quyết định. Quốc hội đã quyết định hai giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016."

Giải đáp băn khoăn của phóng viên liệu giao cho một ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát về môi trường tại miền Trung sau sự cố Formosa có coi nhẹ vấn đề này hay không, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết Quốc hội rất quan tâm đến môi trường nói chung trong đó có vấn đề Formosa.

Căn cứ vào chương trình chung và yêu cầu của công tác giám sát, Quốc hội đã chọn hai chuyên đề để giám sát. Về vấn đề môi trường biển miền Trung, Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội sẽ tổ chức giám sát, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

"Tôi nghĩ rằng không đặt vấn đề là Quốc hội không coi trọng hay xem nhẹ sự việc này mà theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội thì giám sát Quốc hội có năm cấp độ. Thứ nhất là giám sát tối cao của Quốc hội, thứ hai là giám sát của các cơ quan của Quốc hội, thứ ba là giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, thứ tư là giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, thứ năm là giám sát của các đại biểu Quốc hội. Năm cấp độ giám sát tạo thành tổng thể hoạt động giám sát quốc hội. Cấp độ giám sát nào cũng có giá trị pháp lý của từng cấp độ," hơn nữa, trên cơ sở giám sát của Ủy ban, Quốc hội cũng sẽ nghe và có chủ trương và quyết định tiếp theo, ông Hùng nêu rõ.

Về câu hỏi Văn phòng Quốc hội sẽ có hướng triển khai tập huấn các đại biểu Quốc hội mới như thế nào, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong cuộc họp báo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với báo chí, Chủ tịch Quốc hội đã gửi thông điệp nhấn mạnh, Quốc hội khóa XIV này sẽ phấn đấu là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, hành động, chất lượng, xây dựng một Quốc hội do dân vì dân, tiếp tục kế thừa Quốc hội XIII, không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động khóa XIV.

Bên cạnh đó, Quốc hội khóa XIV có tới 316 đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội. Vì vậy, Văn phòng Quốc hội đã có chương trình tổ chức tập huấn cho các đại biểu.

Ngày 29/7, trong phiên họp trao đổi các vấn đề kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2016 đã có 50 đại biểu đăng ký phát biểu, trong đó có tới 35% đại biểu mới lần đầu tham gia Quốc hội đăng ký phát biểu.

Theo đánh giá của Tổng thư ký, chất lượng đại biểu khóa này đã đảm bảo được chất lượng, yêu cầu cho sự phát triển của đất nước.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc của Quốc hội, các đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội. Trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ như vậy, Văn phòng Quốc hội cũng phải đổi mới.

Vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã tiếp nhận 62/63 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời cũng phối hợp với khoảng 30 các đơn vị, văn phòng liên quan tạo thành bộ máy giúp việc cho các đoàn đại biểu, các đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội cũng tổ chức các chương trình nâng cao trình độ chuyên môn cho các đại biểu Quốc hội; đồng thời, Văn phòng Quốc hội cũng tạo một Văn phòng Quốc hội điện tử.

Hiện nay, Văn phòng đã triển khai làm việc trên mạng điện tử. Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội cũng phối hợp Nhật Bản nâng cấp Thư viện Quốc hội, nơi có nguồn tài liệu phong phú giúp đại biểu tra cứu, nghiên cứu các vấn đề về luật để giúp các đại biểu có thêm kiến thức khi đăng đàn tại nghị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục