Ký kết biên bản bàn giao chính thức sáp nhập MHB vào BIDV

Từ ngày 25/5, toàn bộ các chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) trước đây chính thức hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV.
Ký kết biên bản bàn giao chính thức sáp nhập MHB vào BIDV ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: BIDV)

Ngày 25/5, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập MHB vào BIDV tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là thủ tục cuối cùng để MHB chính thức hoàn thành sáp nhập vào BIDV.

Theo đó, từ ngày 25/5, toàn bộ các chi nhánh MHB trước đây chính thức hoạt động với tư cách là chi nhánh BIDV. Trước đó, từ 0 giờ ngày 22/5, thương hiệu MHB chính thức chấm dứt hoạt động, BIDV đã tiến hành chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu ở Hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo đúng nhận diện của BIDV. Với kết quả này, BIDV là ngân hàng đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ sáp nhập trong giai đoạn 2 của Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV cho biết, sau sáp nhập, BIDV sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực với tổng tài sản tăng lên trên 700.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của ngân hành tăng lên trên 34.000 tỷ đồng. Mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm mạng lưới trên cả nước với tổng số lao động là gần 24.000 cán bộ, nhân viên.

Nguyên tắc xuyên suốt trong giao dịch sáp nhập MHB vào BIDV là kế thừa và đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của khách hàng, cổ đông và người lao động của hai ngân hàng. Việc sáp nhập được thực hiện theo phương thức bàn giao nguyên trạng, đầy đủ toàn bộ hoạt động của MHB và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, việc sáp nhập MHB vào BIDV là thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời việc sáp nhập này cũng góp phần làm tăng quy mô tổng tài sản, tăng trưởng khách hàng, mở rộng mạng lưới, đặc biệt là tăng cường năng lực của BIDV trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vốn là thế mạnh của MHB, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập với các ngân hàng trong khu vực.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của lãnh đạo và tập thể cán bộ công nhân viên của hai ngân hàng BIDV và MHB trong việc triển khai sáp nhập có kết quả tốt, quá trình thực hiện ổn định, đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, việc sáp nhập này là một việc làm phù hợp với xu thế phát triển và việc làm này hết sức bình thường. Trong xu thế hội nhập, việc hợp nhất các ngân hàng để tạo ra các tổ chức ngân hàng lớn hơn là điều cần thiết, qua đó xây dựng các ngân hành đủ điều kiện để vươn ra bên ngoài, cạnh tranh với các đối tác trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.