Mấy chục năm đã trôi qua, cựu chiến binh Hoàng Lưu hiện ở 17A Lê Văn Tám, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vẫn nhớ mãi những năm tháng khi ông còn là kỹ sư làm việc tại công trường nội thương Đức Giang, Hà Nội và vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ.
Ông Hoàng Lưu sinh năm 1931 tại Đà Nẵng. Tuổi thơ nhiều vất vả, sớm lĩnh ngộ và theo con đường cách mạng. Năm 1949, ông được kết nạp Đảng khi mới 18 tuổi. Năm 1954, ông Lưu theo quân tập kết ra Bắc. Công tác trong quân đội mấy năm, ông xuất ngũ đi học ngành kỹ thuật xây dựng.
Đối với ông Lưu, ký ức về những lần được gặp Bác luôn luôn sống động như vừa mới xảy ra, với nhiều cảm xúc đặc biệt.
"Nhớ Tết năm nào Bác đến thăm
Nhà câu lạc bộ của Miền Nam
Hội trường Thống Nhất bên Hoàn Kiếm
Vang lên tiếng hát Bác muôn năm
Các cháu Miền Nam gọi Bác ơi...”
Đó là đoạn trích trong bài thơ: “Đón Xuân nhớ Bác,” do ông Lưu sáng tác khi nhớ về Bác Hồ kính yêu. Sau này, bài thơ nằm trong tập sách "Nhớ và ghi" của ông.
Ông Hoàng Lưu kể, Tết Nguyên đán Mậu Tuất (năm 1958), ông đón Tết trên quê hương miền Bắc cùng những cán bộ miền Nam tập kết tại Câu lạc bộ Thống Nhất (số 10 Hàng Ngang, Hà Nội). Đó cũng là lần ông được gặp Bác Hồ đầy xúc động. Hôm đó, cậu thanh niên 27 tuổi đi du Xuân chơi Tết đã mặc bộ quần tây, sơ mi đẹp nhất của mình thời ấy.
Ông Lưu bồi hồi nhớ lại: “Hôm ấy dù lạnh nhưng có nắng ấm, chúng tôi đang chơi bài chòi ở phía trong sân, nghe có người nói “Bác Hồ đến thăm,” rồi mọi người đổ ra phía cổng để đón Bác.
Lúc đó, tôi không theo dòng người ra cổng, ngược lại tôi chạy thẳng vào hội trường để chờ sẵn. Chính tôi cũng không ngờ, vị trí mình ngồi (hàng ghế thứ 3) lại là nơi có thể được nhìn thấy Bác rõ nhất.
[Chuyện về Miguel Contreras, người Argentina đầu tiên gặp Bác Hồ]
Trong mắt chúng tôi khi đó, Bác đẹp như một ông tiên, lại như người thân gần gũi, thân thương trong gia đình.
Hôm ấy, Bác Hồ giản dị lắm, Người mặc bộ đồ kaki 4 túi, đi đến đâu ra hiệu cho cán bộ Miền Nam ngồi xuống đến ấy. Bác hỏi thăm mọi người có nhớ nhà không, khiến cả hội trường ai cũng rưng rưng khóc.”
Kể đến đây, ông Hoàng Lưu xúc động khóc thành tiếng, bởi với ông giờ phút đó thật thiêng liêng, ấm áp.
Ông Lưu kể tiếp: "Sau đó, Bác nói ngắn gọn về cuộc chiến chống Mỹ và công cuộc giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi câu hỏi của chúng tôi làm Bác lặng im một hồi “Bao giờ thống nhất trọn niềm vui?."
Lần thứ hai, ông Lưu được gặp Bác Hồ là khi Người đến thăm công trường đê Gia Lâm (Hà Nội) năm 1959. Lúc đó, ông đang là cán bộ của công trường nội thương Đức Giang (Bộ Nội thương quản lý).
Ông Lưu cho biết hôm đó là một sáng tháng Năm, chỉ mới 9 giờ trời đã nắng gắt. Tuy nhiên, “Vì miền Nam ruột thịt, một người làm việc bằng hai,” ông và tất cả mọi người làm công việc đắp đê Thượng Thanh (trước là của huyện Gia Lâm, nay thuộc quận Long Biên) làm việc không một chút nghỉ ngơi, nhằm hoàn thành sớm công việc.
Bỗng cả công trường để nghe tiếng reo từ phía xa“ Bác, Bác, Bác...Hồ anh em ơi!.” Khi ông Lưu xoay người, đứng dậy xem, đúng lúc Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều cán bộ cao cấp khác đã đứng trước mặt ông.
Ông Lưu rưng rưng kể tiếp: Lúc đó, tôi run bần bật, nước mắt tự dưng vậy mà trào ra không dứt, không mở miệng nói thành câu. Anh bạn đứng bên cạnh tôi nói lớn: “Bác ơi! Bác có khỏe không Bác.” Bác gật đầu bảo “Các cháu làm khỏe thì Bác khỏe” và Người nói thêm rất nhiều về vai trò của đê điều, thủy lợi với cuộc sống của con người.
Hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ, chàng trai trẻ Hoàng Lưu ngày ấy như được tiếp thêm ý chí và nghị lực phấn đấu học tập, làm việc tốt để xứng đáng với công ơn của Đảng, Bác Hồ, với ân tình của nhân dân miền Bắc.
Tháng 2/1979, ông Hoàng Lưu được chuyển vào làm việc tại Công ty Xây lắp Nam Trung Bộ (Khánh Hòa) và công tác cho đến khi nghỉ hưu. Hành trang ông mang theo luôn có những ký ức đẹp nhất về Miền Bắc, về Bác Hồ.
Với những tình cảm đó, ông đã ghi chép lại và in thành nhiều tập sách. Năm 2019, ông Hoàng Lưu được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Trước đó, ông được trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp (năm 1964), chống Mỹ (năm 1983) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ông Lưu chia sẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song tấm lòng, tình cảm, lời dặn dò tâm huyết và những chỉ dẫn kịp thời của Người đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đối với ông.
Cả đời ông chỉ tâm niệm phải làm cho trọn trọng trách, nhiệm vụ được giao đối với mỗi một công việc mà mình làm. Nay tuổi đã cao, niềm vui lớn nhất của ông Lưu là thấy con cháu trưởng thành, thành công trong cuộc sống. Ông luôn giáo dục cho con cháu về truyền thống cách mạng, học hành và làm việc theo đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Bà Ngọc Vân, sinh hoạt ở Câu lạc bộ thơ Phương Sài, thành phố Nha Trang cho biết: Ông Hoàng Lưu rất yêu thích văn chương, dù lớn tuổi nhưng vẫn tham gia tích cực. Trong nhiều cuộc giao lưu của Câu lạc bộ, ông thường xuyên đọc các tác phẩm thơ do chính mình sáng tác, trong đó có đề tài Bác Hồ.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phước Long, thành phố Nha Trang Nguyễn Huy Khai khẳng định: Ông Hoàng Lưu là cựu chiến binh, đảng viên lớn tuổi nhưng vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động nơi mình sống, nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt, ông Lưu còn luôn quan tâm, giúp đỡ thế hệ trẻ phát triển./.