Nhân kỷ niệm 60 năm Thông tấn xã Giải Phóng, xin trân trọng giới thiệu bài viết về các phóng viên mặt trận của ông Đoàn Tử Diễn, nguyên phóng viên GP10 của Thông tấn xã Giải phóng, nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tấn:
Trên báo chí người ta hay nói về những người nổi tiếng, những chiến công mà ít người có thể làm được. Họ là những nhân vật điển hình, những tấm gương. Nhưng trong đời, tôi đã từng biết những con người vô cùng bình thường, những danh hiệu chiến sỹ thi đua, anh hùng... còn xa vời đối với họ.
Họ là tấm gương ư? Có thể với người này, còn người khác thì không hẳn. Nhưng những con người thầm lặng, ngỡ là bình thường như giọt nước hòa lẫn trong vô cùng sông bể, thực ra không thể thiếu được với cuộc đời, không thể đi qua họ mà không đọng lại gì với ký ức bè bạn, với những người đồng thời. Quả thật là như vậy đấy.
Vào mùa hè năm 1973 từ Tam Kỳ, Quế Sơn về, tôi bỗng sững sờ nhìn lên triền dốc núi dựng. Những cô gái miền Bắc trong bộ quần áo chiến trường chưa kịp bạc màu, những gương mặt thật trẻ, sáng hồng lên như chưa hề biết tới sốt rét. Những con người tôi hoàn toàn chưa được làm quen, nhoẻn cười chào tôi, chào một người lần đầu mới gặp mặt như thể thân tình, như thể vừa mới xa nhau.
Không, tôi chưa từng quen biết họ. Nhưng những nụ cười tươi tắn dường kia, những bím tóc đong đưa óng mượt dường kia, thì không thể thờ ơ được. Nhiều năm sau, khi nhớ lại lần tình cờ gặp gỡ ấy, tôi vẫn không hết bồi hồi. Bồi hồi với ai? Vì lẽ gì nhỉ? Đến bây giờ tôi vẫn không sao trả lời được, song cảm giác lạ lùng ấy thì có thực và theo tôi đi mãi trong nhiều năm tháng sau này.
Khi đã có chỗ để đặt chiếc gùi nặng sau lưng và kịp hít thở một chút không khí trong lành của ngọn gió vừa luồn lách qua khu rừng quế thoắt ẩn thoắt hiện Trà My, tôi mới định thần và biết họ, những cô gái đang đứng trước mặt tôi với nụ cười tủm tỉm như đang giấu riêng cho mình một điều gì đó trong đôi mắt chưa một chút ưu tư, phiền muộn, là những phóng viên VNTTX vừa mới đặt chân vào chiến trường.
Phóng viên mặt trận! Ồ, họ còn trẻ quá. Mới chừng 20, 21 tuổi.
Mấy mươi niên đã trôi qua, nhưng những gương mặt trẻ trung ấy thì như hiển hiện trước mắt tôi, như hôm nào, như mới hôm qua. “Bé Thùy” nhỏ nhắn và dường như không khi nào thiếu vắng nụ cười trên khuôn mặt hồn nhiên. Tân Hòa, ít nói hơn, nền nã, xinh một nét xinh thuần Kinh Bắc. Tuyết Trinh, cao và rõ ràng không chối cãi vào đâu được: cô gái xứ Nghệ. Sau này tôi mới biết, cô quê Hà Tĩnh, một vùng nổi tiếng tằm tang, bên bờ sông La hữu tình. Còn ai nữa nhỉ? À, Kim Thoa. Thiếu một thôi là không thể thành đội hình “tứ nữ trình làng” được. Đúng thế, tên của họ xếp bên nhau nghe như một vế của câu thơ Đường nào đó: Trinh-Hòa-Thoa-Thùy.
Chúng tôi có được những ngày nhìn thấy nắng dát vàng trên triền sông Tranh, nhìn thấy thấp thoáng chân trời mỗi buổi ra nương nhổ sắn hay cõng hàng. Đó là những ngày hè ít ỏi năm 1973, khi nhiều vùng Tây Nguyên vừa được giải phóng, nhiều mảng đồng bằng giáp ranh mở ra. Nhưng sang Thu, chiến sự lại bùng nổ dữ dội, báo trước một thời kỳ mới của cuộc chiến.
Bên cạnh những phóng viên nữ VNTTX là một lớp phóng viên nam hăm hở, trẻ trung và so với chúng tôi thì quả thật là trẻ và khỏe mạnh đến phát thèm. Nếu tôi không nhớ được đầy đủ họ tên thì bởi vì trong cuộc sống hàng ngày mấy ai xưng đầy đủ danh tánh. Nhưng những Quyết, những Thụ và Yên, Soạn, Ất, những Nhân và Phương, Đán và Biết, Mùi... thì tôi không thể nào quên họ được rồi. Cũng thật dễ hiểu, bởi họ đã gắn với một quãng đời tôi những năm chiến tranh khốc liệt khu Năm. Quảng Nam gian khổ, Quảng Đà ác liệt, Quảng Ngãi, Bình Định đang mở ra. Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa đang bước vào chiến dịch Xuân-Hè.
Cùng với những hăm hở mà họ đã có khi đặt chân lên Trường Sơn làm người phóng viên chiến trường, giờ đây những cô gái, chàng trai mới hôm nào vừa rời ghế trường đại học lại nôn nao vào mặt trận. Họ thật lãng mạn, yêu đời và khát khao hiến dâng tuổi trẻ, nhưng họ hoàn toàn không ngây thơ trước những thử thách và chịu đựng. Chiến trường không có chỗ cho những con nai vàng ngơ ngác, những đóa hoa rừng như sao vãi trên những dốc cao. Không. Hoàn toàn không thơ mộng như vậy.
Chiến tranh đã sớm cho họ một cách nhìn thực tế. Trong ba lô không được thiếu cái rút dép. Dẫu đơn giản đến thế nhưng lỡ thiếu nó, lỡ đánh rơi đâu đó thì thật tai hại. Một bao nilon không thủng để qua sông qua suối luôn có sẵn trong ba lô. Và cũng đừng quên ít lọ cù là, ít lon muối dự trữ để khi cần đổi lấy củ mì trên dọc đường đi. Thật may, dẫu mới vào chiến trường, mới đi công tác lần đầu nhưng trong số các bạn trẻ, không ai quên, kể cả bốn nhà báo trẻ Trinh-Hòa-Thoa-Thùy.
[Ký ức về một lớp người cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn]
Tôi gặp họ trước khi tất cả chúng tôi rời sông Tum. Chỉ mới mấy tháng, gặp lại, sắc diện các cô đã không dễ nhận ra được nữa. Nước da xanh xao, chân đi xuống suối xem chừng không vững. Song trên những khuôn mặt vẫn còn nguyên vẹn nụ cười hồn nhiên. Tuổi trẻ, thật kì diệu. Tuyết Trinh đi Quảng Ngãi. Kim Thoa đi Bình Định. Còn Thùy và Hòa đang chờ đến lượt mình. Ít lâu sau họ lại trở về. Nghe Tuyết Trinh kể chuyện, lo với người kể, mừng với người kể. Trong những năm chiến tranh, bạn bè từ các “điểm nóng” trở về là như được gặp lại người thân, như thể là ruột thịt của mình vậy.
- Chuyến ấy em xuống ngay xã Tịnh Bắc thuộc huyện Sơn Tịnh. Anh biết không, suýt chút nữa thì gửi thân lại núi Chàm rồi đấy.
- Sướng nhỉ?
- Ô kìa, sao lại sướng? Anh mong em chết à?
- Không, là anh nghĩ em sẽ tắm mát nước sông Trà. Có mơ bọn anh cũng chưa được một lần đến với Trà Khúc.
Chúng tôi cười, nhẹ nhõm và thật cảm động. Sau mấy tháng xuống đồng bằng, được ăn gạo sông Trà, Tuyết Trinh đỏ đắn như thể mới từ an dưỡng đường về.
Rồi Kim Thoa, Tân Hòa cũng từ vùng đất Bình Định mở ra về lại căn cứ. Họ chong lên ngọn đèn chỉ bằng hạt đỗ, đêm đêm viết bài, điện ra Tổng xã. Ngỡ ngàng với nghề nghiệp, bộn bề với những sự kiện. Những vùng đất nóng bỏng vừa đi qua. Những con người cùng được sống: cán bộ xã ấp, du kích, những cơ sở nội tuyến... bình dị thế từ việc làm, từ lời nói mà sao không viết nổi. Viết rồi xóa, xóa rồi lại viết nữa. Họ đấy, tên đất, tên người đấy mà sao mờ nhạt nghèo nàn. Đúng vậy. Viết về những con người ngỡ giản dị là thế nhưng thật lớn lao, vượt khỏi tầm mình. Những con người mà các chị đã cùng sống, cùng đi một quãng đường, ăn chung một bữa cơm chính là vóc dáng của dân tộc trong cuộc chiến mất còn của đất nước. Không riêng gì các chị mà đó là tâm trạng của tất cả những phóng viên chiến trường ngày đó, dẫu họ đã có mặt giữa cuộc chiến mười năm dư thừa.
Rồi cũng đến lượt bé Thùy, Tân Hòa lên đường. Vâng, cũng chính những vùng đất ác liệt Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... đang chờ đợi họ.
Ác liệt là thế, gian lao là thế và cái hiểm nguy sống chết cứ rình rập theo mỗi bước chân, theo từng ngày tháng, vậy mà xanh tươi cuộc sống vẫn ùa ập vào trái tim non trẻ của họ. Tình yêu thì không sao giấu nổi. Nó hiện lên trên gương mặt, trên cái nhìn lấp lánh và giấu kín. Thoạt đầu, những chàng trai mặt trận ấy đóng vai người đi trước, dẫn đường, người anh có ít nhiều từng trải. Từng là bạn đường trong những chuyến đi, sang bạn đời lâu bền của cả đời mình có khi chỉ cần một chiếc cầu cỏn con. Sống ở chiến trường, con người cởi mở, trụi trần. Chẳng có gì để che giấu. Mà muốn giấu che điều gì e cũng khó. Bởi thế tình yêu đến với họ giản dị như chính cuộc sống của họ. Họ quý nhau, thương nhau bằng bát rau tập tàng, bằng những viên ký ninh dè sẻn, họ dìu nhau qua con suối xiết mùa mưa...
Và thế là quá đủ cho một tình yêu bén rễ. Hết chiến tranh, tình yêu ban đầu kết trái. Con của họ, những đứa con đầu đời thường mang tên theo một kỷ niệm, một vùng đất. Có khi là hai vùng đất tạo nên, nghe cũng thật nên thơ, ví như Đà-Trang chẳng hạn. Chàng phóng viên hiện đang làm việc cho báo Tuổi Trẻ biết chăng tên anh là dấu ấn Đà Nẵng-Nha Trang sâu nặng của những người sinh thành ra anh.
Tứ nữ xưa, người ở Hà Nội, người ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng-Quảng Nam. Nhìn họ, như chính họ. Bình thường như mọi người khác. Họ không mang theo một chức vị gì đặc biệt. Ngỡ như cuộc đời họ phẳng lặng, chưa từng đi qua những biến cố lớn lao. Nhưng trong những dung dị đời thường ấy là vẻ kiêu hãnh điềm tĩnh mách bảo rằng họ thực sự là những con người từng trải. Trong máu huyết họ từng có khói lửa, có nhọc nhằn. Họ sống tự tin, bình thản giữa cuộc đời biến động đến khó tin nổi.
Nói gì thêm nữa về họ? Có lẽ sự khác thường chính là niềm kiêu hãnh khiêm nhường pha chút kín đáo như tự giấu mình của họ. Hai vẻ ấy hòa hợp trong một con người, không phải ai cũng có được./.