Ký ức về 33 số báo ra đời trong khói lửa Điện Biên

Hồi ức về một tòa soạn báo tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa đã được các nhà báo kể lại trong chương trình giao lưu “Ký ức Điện Biên."
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (giữa) trong chương trình giao lưu "Ký ức Điện Biên" (Ảnh: TTXVN)

Hồi ức về 33 số báo được in ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, chuyện về những bức tranh địch vận, ký họa kháng chiến… được các nhà báo, họa sỹ từng tác nghiệp trực tiếp trong chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại trong buổi giao lưu “Ký ức Điện Biên.”

Chương trình do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tối 26/4 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội).

“Quên thân mình, một niềm tin trong phong ba, tô thắm tươi thêm màu cờ…” Giai điệu bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” gợi lại không khí hào hùng “chín năm làm một Điện Biên” trong đêm giao lưu, mở ra ký ức với các mảng sáng-tối, buồn-vui đan xen của những phóng viên chiến trường năm xưa.

Bút danh chung!

Theo lời kể của nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, báo Quân đội nhân dân nhận được chỉ thị của cấp trên về việc thành lập một nhóm (bao gồm cả phóng viên, biên tập viên và nhân viên in ấn) để trực tiếp phát hành những số báo ngay tại chiến trường. Khi ấy, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp một thành viên của đơn vị đặc biệt này.

“Chúng tôi mang theo máy in lên đường, hành quân bộ khoảng 500 km cùng chiến sỹ. Những chiếc máy in to và nặng, phải tháo rời các bộ phận để vận chuyển. Trên đường đi, đồng bào miền sơn cước đã tỏ ra rất lạ lẫm. Họ thắc mắc về thứ ‘vũ khí’ đặc biệt mà các chúng tôi mang theo,” ông Nguyễn Khắc Tiếp hồi tưởng.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt ông những kỷ niệm về một thời kỳ làm báo giữa bon đạn sục sôi. Ông kể, các bài báo được biên tập và in ngay tại chiến trường, ngay trong hầm sâu ngột ngạt. “Trong ánh đèn dầu tù mù, những người thợ sắp chữ, thợ in miệt mài làm việc; để sau 24 giờ, báo đến được tay độc giả tại chiến trường. 33 số báo đã liên tiếp ra đời ngay tại mặt trận,” nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp chia sẻ.

Trong tất cả những số báo ấy, tất cả các bài viết bình luận quân sự, phân tích tình hình đều được ký tên “Chính Nghĩa.”

“Đó không phải là tên riêng của một cây bút nào. Chính Nghĩa là bút danh chung mà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt cho chúng tôi, với hàm ý nêu cao tinh thần chính nghĩa trong cuộc đấu tranh của quân và dân ta. Tất cả trái tim cùng hòa chung một nhịp, một khí thế đấu tranh,” người phóng viên chiến trường năm xưa bồi hồi nhớ lại.

Buổi giao lưu “Ký ức Điện Biên” còn là cuộc hội ngộ của những người cầm bút năm xưa. Đại tá-nhà báo Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không-Không quân đã không giấu được niềm xúc động khi nghe câu chuyện của nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp.

“Những ký ức của anh đã đưa chúng tôi cùng trở về với những ngày làm ‘báo hầm’ [làm báo ở dưới hầm-PV]. Ở đó, nhà báo cũng là một người lính,” Đại tá-nhà báo Nguyễn Xuân Mai tâm sự.

Theo lời kể của ông, ngày ấy, để đảm bảo kịp việc đưa tin tới độc giả chiến trường, có không ít số báo mà những người làm báo đã phải trực tiếp viết tay rồi đóng tập. Cán bộ, chiến sỹ chuyền tay nhau đọc.

Biểu diễn nghệ thuật trong chương trình giao lưu "Ký ức Điện Biên" (Ảnh: TTXVN)

“Trong số những người lính Điện Biên năm xưa, nhiều người không biết chữ. Họ chăm chú lắng nghe đồng đội đọc từng dòng tin, câu chuyện trên các số báo. Những hình ảnh ấy là hành trang theo tôi trong suốt những năm tháng làm báo về sau,” Đại tá-nhà báo Nguyễn Xuân Mai chia sẻ.

“Chuyện rau thịt ở đơn vị”

Câu chuyện về những năm tháng làm báo ở Điện Biên Phủ của các phóng viên chiến trường năm xưa là những lát cắt đan xen giữa quá khứ và hiện tại.

“Người làm báo thời kỳ nào cũng vậy, luôn phải biết lựa chọn thông tin để truyền tải đến bạn đọc. Mặt trận rộng lớn, sự kiện diễn ra dồn dập. Chúng tôi đã phải bố trí cộng tác viên ở tất cả các mũi tấn công, các đơn vị chủ lực để cập nhật thông tin được nhanh nhất,” nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp nhớ lại.

Ông kể, ở 33 số báo được xuất bản ngay tại chiến trường đó, bên cạnh những bài bình luận, phân tích, những cây bút chiến trường đã không quên đưa vào những câu chuyện về đời sống kháng chiến. Đó là hình ảnh nụ cười lạc quan của người chiến sỹ trong đạn bom ác liệt, là những bài viết về “chuyện rau thịt ở đơn vị,” về những nữ y tá tận tình chăm sóc vết thương cho cả những người lính ở bên kia chiến tuyến…

“Chính những hình ảnh, bài viết như vậy khi được công bố đã góp phần nêu cao tinh thần chính nghĩa của cuộc đấu tranh của quân và dân ta. Chúng ta nhận được sự ủng hộ, cổ vũ lớn từ dư luận quốc tế,” Đại tá Nguyễn Xuân Mai bày tỏ.

Theo chia sẻ của những người làm báo thời kỳ ấy, những số báo dù được triển khai trong điều kiện khó khăn của thời chiến cũng không thể thiếu những bức ký họa kháng chiến, tranh địch vận…

“Tranh vẽ là một hình thức truyền tải thông điệp tới độc giả rất hữu hiệu,” họa sỹ Ngô Mạnh Lân, người từng có mặt trực tiếp ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa chia sẻ.

Theo ông, để tác động được tới công chúng, người họa sỹ không chỉ cần tài năng, thể hiện qua những nét vẽ tài hoa mà còn cần bản lĩnh chính trị, sự hiểu biết sâu sắc.

“Phía sau nụ cười của người cán bộ, chiến sỹ khi xem bức họa ‘Quân Pháp khổ’ sẽ là việc: Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của quân ta được củng cố, nâng cao,” họa sỹ Ngô Mạnh Lân kể.

Phát biểu trong chương trình giao lưu “Ký ức Điện Biên” tối 26/4, ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ: Những dòng tin, bài báo, bức ảnh, thước phim ghi lại chiến dịch là những tư liệu lịch sử quý báu, là công sức và cả máu của các nhà báo chiến sỹ.

“Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, một tòa soạn báo tiền phương, xuất bản tại mặt trận để phục vụ cuộc chiến tranh cam go, thử thách của dân tộc ra đời… Những nhà báo chiến trường đã thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận, họ đã sử dụng vũ khí đặc biệt để tham gia chiến dịch là báo chí,” ông Hà Minh Huệ khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục