Trong 10 tháng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn thu hút được 23,48 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Giới chuyên gia nhận định đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đều rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh về kết quả thu hút đầu tư.
Các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế kỳ vọng một làn sóng đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam sẽ được khởi động; xuất phát từ hai phía gồm việc tìm kiếm cơ hội đối với nhà đầu tư cũng như tiếp tục phát huy uy tín, sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư thế giới.
Cơ hội mới trong bối cảnh khó khăn
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự báo lượng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu giảm khoảng 40% trong năm nay. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng qua các tháng từ đầu năm đến nay.
Gần đây, một số địa phương trong cả nước đã tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu tình hình, cơ hội đầu tư; trong đó có những dự án quy mô rất lớn và nếu được cấp phép sẽ nhanh chóng làm thay đổi kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước theo hướng bứt phá.
Đơn cử là dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện và kho cảng khí hóa lỏng tại Khánh Hòa của Tập đoàn dầu khí Millenium (Mỹ) trị giá 15 tỷ USD hoặc dự án của Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ trị giá hơn 5 tỷ USD trong giai đoạn thăm dò, cân nhắc để tiến tới đầu tư xây dựng tổ hợp kho cảng, điện khí tại Hải Phòng...
Cùng với đó, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tiếp tục khẳng định mục đích mở rộng quy mô và sự hiện diện vững chắc tại Việt Nam; xác định Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng để sản xuất hàng xuất khẩu cho chiến lược toàn cầu của mình. Đây là một động thái rất đáng lưu ý ngay sau khi tập đoàn này triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội để hiện thực hóa chiến lược nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm hiện đại, mang đậm đặc điểm 4.0 trong những năm tới.
Theo ông Sudo Kazunori, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ sự hấp dẫn, tính ổn định và môi trường thuận lợi đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Vấn đề đặt ra là chủ động các điều kiện phù hợp, xác định sự ưu đãi để tận dụng thời cơ thu hút dòng vốn đầu tư...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết các doanh nghiệp, tập đoàn đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về việc thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan tỏa, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương kỳ vọng cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hóa việc dịch chuyển của mình, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia tới Việt Nam, trong đó việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước.
Tối đa hóa tác động của FDI
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết với việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Nhật Bản tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu, thể hiện rõ và ngày càng mạnh mẽ hơn mục tiêu tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn mới - thời COVID-19 và hậu COVID-19. Đây là một nhu cầu tự thân, xuất phát từ sức ép do dịch COVID-19 gây ra khiến cộng đồng doanh nghiệp nước này đứng trước việc phải nhanh chóng đa dạng hóa khu vực cung ứng linh kiện trên phạm vi toàn cầu. Yêu cầu về sự dịch chuyển chuỗi cung ứng được đặt ra rõ nét và rốt ráo hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, mục tiêu gia tăng đầu tư còn được khẳng định rõ ràng hơn với chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide mới đây. Nhật Bản xác định Việt Nam là đối tác quan trọng và chiến lược của doanh nghiệp Nhật Bản; có thể đảm nhận, cung cấp những điều kiện phù hợp để nhà đầu tư triển khai cho hoạt động sản xuất theo chuỗi trong bối cảnh mới...
[Sàng lọc các khoản đầu tư FDI hiệu quả để tăng trưởng kinh tế]
Dự báo các dự án của Nhật Bản sẽ tiếp tục đổ vào khu vực sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp bên cạnh hoạt động mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ, siêu thị, ngân hàng và tăng cường hoạt động đầu tư thông qua hình thức mua bán-sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng kiến nghị Việt Nam cần tăng tốc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và năng lượng; bảo đảm sự ổn định chính sách, sự sẵn sàng về nguồn nhân lực bên cạnh vấn đề bảo vệ nhà đầu tư, các vấn đề liên quan đến thuế, thủ tục hải quan...
Tuy nhiên, bên cạnh việc thu hút nhiều hơn vốn FDI, chất lượng vốn FDI tác động tới kinh tế-xã hội đang được quan tâm hàng đầu.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần tìm kiếm và khai thác các cơ hội từ hai xu hướng lớn xuất hiện từ dịch COVID-19. Thứ nhất là những thay đổi trong hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu và thứ hai là sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc.
Việt Nam có nhiều việc cần phải làm để nâng cao vị thế của mình trên thị trường toàn cầu, đặc biệt bằng cách thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới có chất lượng cao và tiến lên trên chuỗi giá trị.
“Thách thức đối với Việt Nam không nhất thiết phải là thu được dòng vốn FDI lớn hơn mà là tối đa hóa tác động của nó đối với nền kinh tế trong nước thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực," bà Carolyn Turk cho biết.
Cần quy định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết để chuẩn bị đón dòng vốn FDI dịch chuyển, Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng chúng ta đã bắt đầu có sự chuẩn bị để đón dòng vốn FDI hậu COVID-19 nhưng chúng ta cần phải làm nhanh hơn. Cùng với đó, Việt Nam phải sớm tuyên bố với các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới là chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư.
“Và chúng ta cần phải thống kê lại các diện tích đất chưa sử dụng, chỉ đạo các địa phương dành đủ đất sạch cho các dự án lớn. Chúng ta có lợi thế hơn Trung Quốc là hiện nay giá cho thuê đất sạch của chúng ta chỉ bằng 40% giá thuê tại Bắc Kinh, Thượng Hải," ông Nguyễn Mại tin điều này rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong thập kỷ tới, thu hút FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, đặc biệt phải quy định rõ những ngành nào, lĩnh vực nào cần ưu tiên thu hút FDI trên nguyên tắc những ngành và lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có khả năng làm được thì không kêu gọi đầu tư nước ngoài.
"Đặc biệt, do khu vực công nghiệp phụ trợ còn non yếu, giai đoạn 2021-2030, Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án FDI đầu tư và sản xuất tại Việt Nam theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp Việt có điều kiện tiếp cận trực tiếp công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại và tri thức kinh doanh tin cậy," ông Lâm nhấn mạnh.
Cùng với đó, để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư.../.