Giữa vô vàn bom tấn ra mắt trong dịp Giáng sinh và năm mới, những người yêu thích dòng phim nghệ thuật đang bàn luận về “La La Land” - bộ phim được dự đoán là cục nam châm hút tượng vàng tại giải Oscar 2017, một tác phẩm điện ảnh tươi tắn, trong trẻo về thời thanh xuân, tràn ngập màu sắc jazz…
Sau gần một thế kỷ, cuộc hôn phối của jazz và điện ảnh vẫn tiếp tục vẽ nên những chương mới trong nghệ thuật.
Từ dòng chảy ngầm không lặng lẽ...
Là sản phẩm đặc trưng của người Mỹ, jazz có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên các dòng nhạc khác như rock, funk, hip hop hay R&B.
Dù lớp trẻ ngày nay thường dùng từ “vintage” để hình dung về jazz nhưng giới phê bình vẫn coi nó như một hình thái âm nhạc đương đại phát triển không ngừng.
Cầu kỳ và khó nắm bắt, jazz thường được sử dụng trong những bộ phim nghệ thuật kén khách và hướng đến đối tượng khán giả chuyên biệt.
Nhưng “La La Land”- bộ phim ra mắt mùa Giáng sinh 2016 sẽ là một ngoại lệ.
Dù chưa chính thức công chiếu nhưng bộ phim đã nhận được vô số lời tán dương sau những buổi ra mắt giới hạn tại các liên hoan phim lớn như Venice hay Toronto, thậm chí được coi là ứng cử viên nặng ký cho nhiều hạng mục quan trọng tại giải Oscar 2017.
Sau thành công vang dội với “Whiplash” năm 2014 cho tới “La La Land” ở thời điểm hiện tại, đạo diễn trẻ Damiel Chazelle dường như muốn khẳng định với cả thế giới rằng làm một bộ phim ăn khách dựa hoàn toàn vào nhạc jazz không hề khó.
Cùng với người bạn thân, nhà soạn nhạc Justin Hurwitz, bộ đôi này sẽ kể một chuyện tình ngọt ngào, bay bổng và đầy mê đắm trên nền những bản nhạc jazz Broadway rực rỡ, trái ngược hẳn với sự mẫu mực, khuôn phép đến lạnh lùng của dòng classic jazz trong “Whiplash.”
Sau gần một thế kỷ, những bộ phim về nhạc jazz như một dòng chảy ngầm, lặng lẽ nhưng không đứt đoạn và luôn xuất hiện nhiều bất ngờ.
Khán giả hẳn còn nhớ bộ phim “Chicago” năm 2002 đã gây bão với 6 tượng vàng Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất.
Dàn dựng từ vở nhạc kịch cùng tên, dù gây nhiều tranh cãi nhưng “Chicago” đúng là một bữa tiệc thịnh soạn đủ các cung bậc của jazz: từ big-band tới bebop, từ ballad tới swing, khiến ngay cả những người không hề nghe dòng nhạc này cũng phải ngây ngất trước vẻ đẹp tuyệt diệu của âm nhạc.
“Chicago” cùng “Moulin Rouge!” được coi là những phát súng đầu tiên cho sự hồi sinh của dòng phim ca nhạc trong thế kỷ 21, đồng thời biến Queen Latifah từ nữ hoàng hip hop thành một "jazz lady" chính hiệu với nhiều đĩa nhạc ăn khách như “The Dana Owen Album” hay “Trav’lin’ Light.”
... Đến Cuộc hôn phối gần một thế kỷ
Xét về yếu tố lịch sử, jazz đã có 90 năm sánh bước cùng điện ảnh, bắt đầu từ phim “The Jazz Singer” (1927).
Tuy nhiên, phải đến năm 1941, khi danh ca Bing Crosby hóa thân vào vai một nghệ sỹ clarinet nhờ đi theo một ban nhạc da màu mà đạt tới đỉnh vinh quang trong “Blues In The Night” thì Hollywood mới bắt đầu mặn mà với dòng nhạc này.
Một kỷ nguyên thăng hoa cùng jazz trong “Cabin In The Sky”, “Stormy Weather,” “New Orleans,” “The Five Pennies,” “Young Man With A Horn,” “High Society”… kéo theo đó là sự xuất hiện của nhiều nghệ sỹ jazz tên tuổi trên màn ảnh rộng, bao gồm cả Louis Armstrong, Ella Fitzgerald, Billie Holiday, Duke Ellington, Nat King Cole…
Ai đã từng yêu thích “Chicago” hẳn không thể quên được ca khúc mở đầu vừa châm biếm vừa mang đậm màu sắc nhục dục “All That Jazz.”
Đó cũng là tên bộ phim đã giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1980, dựa theo chuyện đời của chính đạo diễn Bob Fosse trong quá trình lên ý tưởng cho vở nhạc kịch “Chicago.”
Để minh chứng cho sự gắn bó giữa jazz và dòng phim chân dung, tài liệu thì “All That Jazz” là đại diện tiêu biểu hơn cả.
Ngoài ra, các tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim này có thể kể đến “Lady Sings The Blues” (Diana Ross thủ vai) về nữ danh ca Billie Holiday, “Bird” (đạo diễn Clint Eastwood) câu chuyện về saxophonist tài danh Charlie Parker.
Hay mới năm ngoái, “Born To Be Blue” (do Ethan Hawke thủ vai) dù tạo ít tiếng vang song là tác phẩm đậm chất nghệ thuật về nghệ sỹ trumpet Chet Baker.
Và mới nhất là hình tượng thiên tài nhạc jazz thế kỷ 20 Miles David được Don Cheadle mô tả xuất sắc trong “Miles Ahead.”
Tất cả đều có sức sống riêng và được coi là những bộ-phim-phải-xem khi muốn tìm hiểu về lịch sử nhạc jazz thế kỷ 20.
Như một nỗi ám ảnh kỳ lạ, những bộ phim hay nhất về jazz của Hollywood thường khai thác nỗi cô đơn qua những nốt trầm diệu vợi, những tiếng nhói khắc khoải ẩn sau sự thăng hoa đến tột cùng của ngẫu hứng – cũng là các đặc điểm dễ nhận thấy của dòng nhạc này.
“The Cotton Club”, “Round Midnight”, “Let’s Get Lost,” “The Fabulous Baker Boys,” “Mo’ Better Blues” hay gần đây nhất là “Whiplash” đều thể hiện rất rõ tinh thần đó.
Thậm chí, “Midnight In Paris,” bộ phim lãng mạn của Woody Allen rốt cuộc cũng chỉ là hành trình vô vọng chạy trốn khỏi nỗi cô đơn - phải chăng đó chính là nguyên nhân để đạo diễn tài ba chỉ dùng jazz, như muốn chạm hẳn vào những tầng cảm xúc ẩn chứa bên trong mỗi khán giả…
Dù đã bị coi là lỗi thời, jazz vẫn liên tục làm mới mình, cũng như nguồn cảm hứng của các nhà làm phim với dòng nhạc này chưa bao giờ cạn kiệt.
Vì thế, những bộ phim về jazz hoặc sử dụng jazz nói chung sẽ còn gắn bó với công chúng lâu dài và chúng ta sẽ được thưởng thức chúng, cảm nhận nét ngẫu hứng ẩn chứa trong vẻ ngoài cũ kỹ và giản dị của thể loại âm nhạc này…/.