Lá phiếu tín nhiệm với cán bộ giữa nhiệm kỳ và những góc nhìn

Khi được “góp ý” ở giữa nhiệm kỳ, cán bộ dễ dàng “tự soi” hơn để thấy rõ những mặt tích cực cũng như mặt hạn chế ở chặng đầu, sau đó “tự sửa”, phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ ở chặng tiếp theo.
Lá phiếu tín nhiệm với cán bộ giữa nhiệm kỳ và những góc nhìn ảnh 1Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 5, thông qua ngày 23/6/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Trước đó, ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thay thế Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8/10/2014.

Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước ra rất quan tâm đến công tác cán bộ, thể hiện thái độ thẳng thắn, quyết liệt trong vấn đề đánh giá đội ngũ lãnh đạo, mà một biểu hiện cụ thể, rất quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.

Sức nặng của lá phiếu mỏng

Cả Quy định số 96-QĐ/TW và Nghị quyết số 96/2023/QH15 đều nhấn mạnh: Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, “tự soi,” “tự sửa” để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Một trong những tiêu chí quan trọng để có tín nhiệm cao là hiệu quả công việc của người lãnh đạo. Muốn vậy thì cán bộ không những phải vững vàng về tư tưởng, chính trị, có năng lực về chuyên môn, tổ chức, mà còn phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

[ĐBQH: Lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở cho việc đánh giá cán bộ]

Hiện đang tồn tại một thực tế là một số cán bộ xác định “thà nhận kỷ luật trước tổ chức hơn đứng trước vành móng ngựa,” không chủ động thực thi nhiệm vụ, luôn thụ động chờ vào sự “chỉ dẫn” của cấp trên vì sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, khiến cho công việc bị ùn tắc.

Không phải ngẫu nhiên mà trước khi có Quy định số 96-QĐ/TW thì Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nội dung của hai văn kiện này có liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung lẫn nhau.

Trong Kết luận số 14-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu: Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới; khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn.

Còn Quy định số 96-QĐ/TW nêu rõ rằng, một trong những tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là “tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.”

Mục đích cốt lõi của việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ quan cấp trên thông qua sự tín nhiệm của người bỏ phiếu để có thêm một kênh thông tin quan trọng để đánh giá khách quan, đa diện về cán bộ.

Về mặt nguyên tắc, không được để xảy ra tình trạng những cán bộ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo bị "mất phiếu" do đụng chạm lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm không chính đáng. Ngược lại, những cán bộ “tròn vo,” sợ trách nhiệm, năng lực kém không thể tại vị hoặc được cất nhắc lên vị trí cao hơn.

Nội dung của Kết luận số 14-KL/TW phải gắn với nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW là nhằm tránh cho những cán bộ năng động, sáng tạo rơi vào cảnh “tín nhiệm ngược.” Lá phiếu tín nhiệm chỉ là tờ giấy mỏng nhưng lại có sức nặng to lớn là ở chỗ đó.

Bởi lẽ, người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không chỉ phát huy tác dụng đối với một tập thể, cơ quan cụ thể, trong một lĩnh vực cụ thể, mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, ngành và đất nước.

Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ là ở thời điểm giữa chứ không phải ở đầu hay cuối nhiệm kỳ. Điều này là có lý do.

Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm phải dựa vào kết quả công việc, mà vào đầu nhiệm kỳ thì cán bộ chưa có thời gian để thể hiện năng lực của mình. Còn ở cuối nhiệm kỳ thì kết quả của lá phiếu tín nhiệm có ít tác dụng vì cán bộ lãnh đạo không có cơ hội để “sửa sai” hay phát huy những mặt tích cực đã đạt được.

Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ dành cho những người đang làm việc và đạt được kết quả công việc cụ thể, chỉ như vậy mới có thông tin đầy đủ cho việc bỏ phiếu có hiệu quả. Khi được “góp ý” ở giữa nhiệm kỳ, cán bộ dễ dàng “tự soi” hơn để thấy rõ những mặt tích cực cũng như mặt hạn chế ở chặng đầu, sau đó “tự sửa”, phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ ở chặng tiếp theo.

Nhìn từ hai mặt của lá phiếu

Đảng ta đã đưa ra quy định rất rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ về quá trình lấy phiếu tín nhiệm để đạt kết quả cao nhất. Các cơ quan, tổ chức, người được lấy phiếu tín nhiệm và người bỏ phiếu đều phải làm tốt phần việc của mình.

Lá phiếu tín nhiệm với cán bộ giữa nhiệm kỳ và những góc nhìn ảnh 2Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp (giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV) để cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) ngày 15/6/2023. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các cơ quan, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm có nhiệm vụ tuân thủ nghiêm quy trình về lấy phiếu, xác minh thông tin người được lấy phiếu, tránh tình trạng tiếp nhận hình thức hoặc có biểu hiện che đậy.

Cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm có nghĩa vụ phải báo cáo đầy đủ công việc của mình, cung cấp trung thực, chính xác thông tin có liên quan.

Người bỏ phiếu phải đánh giá một cách công tâm, khách quan, trung thực, không để tình cảm và lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm tác động.

Cả người được lấy phiếu tín nhiệm, người bỏ phiếu đều đứng trước động lực và thử thách to lớn, đó là phải thực hiện đúng quyền và trách nhiệm của mình.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định sinh mệnh chính trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều này là động lực để người được lấy phiếu “tự soi,” “tự sửa,” phát huy ưu điểm và hạn chế nhược điểm để tiếp tục hoàn thiện mình.

Mỗi lá phiếu tín nhiệm cao hay thấp đều có vai trò của nó đối với người được đánh giá. Đây cũng là thử thách không phải ai cũng vượt qua được. Nếu không có bản lĩnh vững vàng, người cán bộ sẽ không thể thắng “cái tôi” cố hữu trong mỗi cá nhân, hành xử theo kiểu “vo tròn,” tránh đụng chạm, không dám thể hiện sự năng động, sáng tạo, cốt để vượt qua “cửa ải.” Người thiếu phẩm chất chính trị, đạo đức, thậm chí còn tính đến chuyện “vận động hành lang.”

Việc cầm lá phiếu trong tay để đánh giá cán bộ lãnh đạo, thúc đẩy suy nghĩ tích cực của những người bỏ phiếu, vì ý kiến của họ được tổ chức tôn trọng. Đại đa số sẽ sử dụng cơ hội này để thể hiện thái độ khách quan, trung thực của mình, “tốt khen, xấu chê.”

Nhưng đây cũng lại là thử thách không dễ vượt qua đối với một số người thiếu bản lĩnh hoặc có suy nghĩ hẹp hòi, coi nặng lợi ích cá nhân không chính đáng. Những người thiếu công tâm sẽ làm giảm ý nghĩa của việc bỏ phiếu tín nhiệm, không hoàn thành trách nhiệm trước tập thể, cơ quan, địa phương, ngành, trước Đảng và đất nước.

Mọi sự vận động trong cuộc sống đều có hai mặt. Phát huy mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện sai lệch có thể có trong việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ quản lý, lãnh đạo là trách nhiệm chung của cơ quan, đơn vị, tổ chức, của người được lấy phiếu tín nhiệm và của cả người cầm trong tay lá phiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục