Ngày 25/5, ông Vũ Huy Hòa, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng cho biết, từ ngày 24/5, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (xã Ma Ly Pho huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu) và Kim Thủy Hà (Trung Quốc) bắt đầu hoạt động thương mại biên giới trở lại sau một thời gian dài ngừng hoạt động.
Hai bên đã thống nhất nhiều nội dung để tạo điều kiện tốt nhất cho việc thông thương hàng hóa qua cửa khẩu; đồng thời, quy định chặt chẽ đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Hai bên đã thống nhất một số nội dung như hai bên thực hiện tốt công tác khử khuẩn và xét nghiệm trong quá trình thực hiện xuất khẩu hàng hóa và phải có chứng nhận khử khuẩn, kết quả xét nghiệm trong 24 giờ.
Hai bên có điểm chuyển giao xe khi giao nhận hàng hóa và lái xe phải có giấy chứng nhận về khử khuẩn hàng hóa, xét nghiệm COVID-19; phía Trung Quốc cũng sẽ bỏ quy định tải trọng 30 tấn đối với cả xe và hàng hóa khi qua cầu; không hạn chế việc cấp thẻ cho những xe hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
[Giao thương qua cửa khẩu biên giới phía Bắc dần trở lại bình thường]
Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng đã thành lập lại đội giám sát phòng, chống dịch bệnh và điều tiết phương tiện vận chuyển, hàng hóa, đảm bảo giám sát chặt chẽ theo phương án “Thiết lập vùng đệm an toàn phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Ma Lù Thàng” của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành.
Ông Đỗ Văn Khôi, chủ doanh nghiệp Mai Hưng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ chia sẻ do thời gian dài bị đóng biên, hàng hóa của doanh nghiệp đang tồn trọng nhiều với giá trị khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Cửa khẩu hoạt động trở lại là tín hiệu vui cho doanh nghiệp để xuất hàng hóa sau một thời gian dài ngừng hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi tình hình cụ thể mới xuất hàng hóa.
Trước đó, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu đối với tất cả các loại hàng hóa từ phía Việt Nam qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng-Kim Thủy Hà từ ngày 23/10/2021 khiến các sản phẩm nông sản của tỉnh Lai Châu gặp khó khăn trong việc tiêu thụ./.