Làm cách nào để khai thác ‘mỏ vàng’ du lịch golf Việt Nam?

Lãnh đạo ngành, các doanh nghiệp du lịch cuối cùng cũng nhìn đang nhìn ra “mỏ vàng” và kỳ vọng du lịch golf sẽ có nhiều khởi sắc để Việt Nam trở thành điểm đến của du lịch golf trên bản đồ thế giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock)
Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock)

Các chuyên gia và những người đam mê bộ môn thể thao golf thế giới đánh giá là Việt Nam điểm đến hấp dẫn của golf có những sân golf chất lượng cao, quang cảnh đẹp, khí hậu thuận lợi để đón các golf thủ là đối tượng khách có khả năng chi trả cao quanh năm. Tiềm năng là thế song nhiều năm qua du lịch golf Việt Nam vẫn chưa thực sự được khai thác đúng thế mạnh của mình.

[Du lịch golf: 'Hành trình vạn dặm' với huyền thoại golf số 1 thế giới]

Mới đây, trong buổi làm việc với đại diện Tổng cục Du lịch, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, Đại sứ Du lịch Việt Nam Greg Norman (nhiệm kỳ 2018-2021), huyền thoại golf số 1 thế giới đã có nhiều tư vấn và cam kết hỗ trợ ngành du lịch nước nhà làm một phim ngắn về sân golf Việt Nam và một clip ngắn nói về việc chơi golf ở Việt Nam để giới thiệu, quảng bá trong và ngoài nước.

Có thể thấy, muộn còn hơn không, lãnh đạo ngành, các doanh nghiệp du lịch cuối cùng cũng nhìn ra “mỏ vàng” và kỳ vọng du lịch golf sẽ có nhiều khởi sắc để Việt Nam trở thành điểm đến của du lịch golf trên bản đồ thế giới.

Làm cách nào để khai thác ‘mỏ vàng’ du lịch golf Việt Nam? ảnh 1Sân Vinpearl Golf Nam Hội An tọa lạc tại quần thể khách sạn nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí cao cấp Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An. (Ảnh: CTV)

“Mỏ vàng” golf cho du lịch

Đánh giá về tiềm năng thị trường du lịch golf Việt Nam hiện nay, Giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtours, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng: “Golf là thị trường rất tiềm năng của du lịch Việt Nam. Đặc trưng của thị trường đánh golf là khách đến và sẽ quay trở lại chứ không phải như dòng khách du lịch tham quan, khám phá chỉ một lần rồi thôi. Hơn nữa, người đánh golf là đối tượng khách có khả năng chi trả cao cho những dịch vụ khách sạn, nhà hàng cao cấp. Đó là đặc điểm mà chúng ta có thể tận dụng khai thác.”

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của hạ tầng du lịch, hệ thống sân golf ở Việt Nam cũng được đầu tư nhiều. Những vùng du lịch lớn bên cạnh việc phát triển các khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp đều quan tâm phát triển kèm thêm hệ thống sân golf. Theo đánh giá của các chuyên gia, sân golf ở Việt Nam có chất lượng cao, có cảnh quan đẹp hấp dẫn du khách.

Hơn nữa, do nằm trong vùng có điều kiện thời tiết, khí hậu rất thuận lợi nên người chơi golf có thể đến Việt Nam đánh golf quanh năm. Đặc biệt, vào mùa Đông, khi các nước ở khu vực Đông Bắc Á, châu Âu có băng tuyết giá lạnh khiến các sân golf bị tê liệt thì các sân golf Việt Nam vẫn hoạt động bình thường ở miền Trung, miền Nam.

“Nếu phát triển loại hình du lịch golf, Việt Nam sẽ thu hút được số lượng lớn khách quốc tế, nhất là các thị trường khách đang được coi là trọng điểm của du lịch Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc. Đây đều là thị trường khách có nhu cầu đánh golf rất lớn. Trong mùa Đông năm vừa rồi, tất cả các sân golf ở miền Trung, miền Nam Việt Nam đều kín khách, mà đa phần là khách đến từ khu vực Đông Bắc Á. Lượng khách đến Việt Nam hầu hết đều kết hợp trong chuyến đi đánh golf cùng với các nước trong vực,” ông Nguyễn Công Hoan cho hay.

Làm cách nào để khai thác ‘mỏ vàng’ du lịch golf Việt Nam? ảnh 2Hồng Sơn thi đấu tại giải WAGC - World Amateur Golfers Championship. (Ảnh: CTV)

Trước thực tế đó, nhằm đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của những người du lịch chơi golf, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho biết, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Hiệp hội Du lịch Golf.

Nhiệm vụ của Hiệp hội này là phát triển du lịch khai thác từ bộ môn golf thông qua các hoạt động như: xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù kết hợp với bộ môn golf, tổ chức giải đấu golf, hội thảo golf, hội chợ golf… trong nước và quốc tế nhằm tăng thu ngân sách và góp phần nâng cao vị thế của du lịch golf Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Theo các đơn vị quản lý sân golf trong nước, lượng người đến Việt Nam đánh golf đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu du khách quốc tế. Điều đó khẳng định việc thành lập Hiệp hội Du lịch Golf sẽ đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng du lịch, đặc biệt là du lịch golf.

“Chúng tôi rất kỳ vọng Hiệp hội Du lịch Golf sẽ tiến hành hàng loạt hoạt động để đưa du lịch golf trở thành một nhân tố quan trọng trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng, vì nó còn phụ thuộc vào việc chúng ta có làm được hay không, những người chịu trách nhiệm có triển khai được tốt nhất kế hoạch đó hay không, rồi mối liên kết giữa các sân golf với các doanh nghiệp du lịch có thực sự trở thành hiện thực hay không…” ông Bình bày tỏ.

Ông Nguyễn Công Hoan nói về du lịch golf ở Việt Nam.

Quảng bá golf Việt cách nào?

“Bánh” ngon đã có, vấn đề chỉ còn là làm thế nào để quảng bá hình ảnh golf nước nhà thật hấp dẫn ra với bạn bè quốc tế, kích thích sự tò mò và khám phá của du khách về việc nhất định phải đến Việt Nam trải nghiệm du lịch golf.

Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng: “Trước đây, chúng ta vẫn tập trung quảng bá Việt Nam là đất nước có danh lam thắng cảnh đẹp, đất nước có bề dày văn hóa-lịch sử truyền thống và ẩm thực phong phú, nhưng gần đây du lịch Việt Nam đã có những thay đổi lớn trong việc vẫn duy trì những thị trường khách đó, nhưng ngoài ra, hiện nay chúng ta đã khai thác thêm loại hình du lịch theo xu hướng là du lịch MICE (du lịch sự kiện) và du lịch golf.”

Tới đây, thành phố Hà Nội sẽ mở rộng việc tổ chức những giải đấu golf, hội chợ golf… Rõ ràng những hoạt động du lịch thể thao như vậy sẽ làm mới hơn cho diện mạo du lịch Việt Nam, góp phần bổ trợ cho các hoạt động du lịch khác, giúp ngành du lịch không chỉ tăng trưởng về lượng khách mà còn phát triển bền vững và tăng doanh thu.

Theo ông Vũ Thế Bình, trong khuôn khổ hoạt động của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2019 vừa diễn ra, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc thành lập Hiệp hội Du lịch Golf, còn việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch golf ra nước ngoài sẽ có hai “con đường.”

“Con đường thứ nhất là bản thân các tổ chức golf, các sân golf sẽ trực tiếp làm công việc tự quảng bá. Con đường thứ hai là có thể khai thác khả năng truyền thông, khả năng xúc tiến của các doanh nghiệp du lịch cho loại hình này. Nếu cả hai bên cùng đồng hành tuyên truyền thì tôi tin rằng những thông tin về du lịch golf của Việt Nam sẽ lan tỏa nhiều hơn trên thế giới,” ông Bình nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch ông Ngô Hoài Chung cho biết, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và du lịch, Tổng cục Du lịch cam kết đồng hành cùng Hiệp hội du lịch Việt Nam và các hiệp hội thành viên, trong đó có Hiệp hội Du lịch Golf vì sự phát triển của toàn ngành.

"Sự ra đời của Hiệp hội Du lịch Golf sẽ góp phần thúc đẩy du lịch chất lượng cao, một lần nữa khẳng định cộng đồng du lịch Việt Nam luôn ủng hộ và sẽ trở thành lực lượng chủ lực trong hành trình xây dựng du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn," ông Ngô Hoài Chung khẳng định.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp du lịch trong nước cũng đã nhận thức được “mỏ vàng” golf và mong muốn có thể kết nối chặt chẽ hơn với các sân golf trong việc lan tỏa hình ảnh và đưa khách đến, tạo thị trường sôi động cho du lịch golf./.

Làm cách nào để khai thác ‘mỏ vàng’ du lịch golf Việt Nam? ảnh 3Vinpearl WAGC Vietnam 2018 đã mang đến những màn trình diễn ấn tượng. (Ảnh: CTV)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục