Trên trang cá nhân ca sỹ Thu Phương vừa có những chia sẻ ngắn gọn về chặng đường 30 năm ca hát (26/9/1986- 26/9/2016).
Giọng ca "Dòng sông lơ đãng" viết: "Chỉ là con số! Nhưng là chặng đường thành công thất bại, hạnh phúc khổ đau, được mất... Chả ai đong đếm được, chả ai biết trước được điều gì. Tất cả vẫn còn đang ở phía trước. Đời còn dài tương lai còn rộng. Muốn viết một điều gì đó cho 30 nhưng chẳng biết viết gì? Mênh mông, mông lung và trắc ẩn quá!"
Cũng để kỷ niệm sự kiện này, cách đây hai tuần, nữ ca sỹ này đã trình làng đĩa nhạc "Hội trăng". Có điều, dự án được coi là trọng tâm kỷ niệm sự nghiệp 30 năm ca hát lại được Thu Phương làm trong vỏn vẹn 19 ngày.
19 ngày cho tất cả các khâu từ lên ý tưởng, thu âm, đến ra mắt đĩa, rất có thể “Hội trăng” chính là album nhạc Việt nắm giữ kỷ lục được hoàn tất trong thời gian nhanh nhất (?)
Nhưng thời gian chớp nhoáng cũng chưa phải điều duy nhất cần lưu tâm, dù việc gọi tên “Hội trăng” có phần gượng, buộc album được làm “chín ép” để ra mắt đúng vào dịp Tết Trung Thu thì điều đáng lo ngại hơn là chất lượng cũng như câu chuyện âm nhạc của đĩa này.
Gồm 8 ca khúc (7 bài cũ là dân ca, hoặc mang âm hưởng dân gian đương đại và 1 bài mới của Hoàng Dũng) được phối mới theo phong cách nhạc điện tử, “Hội trăng” tiếp tục là sự kết hợp của Thu Phương cùng nhạc sỹ trẻ Dương Trường Giang.
Nói tiếp tục là bởi trước đó, giọng ca “Chưa bao giờ” từng tổ chức họp báo với mục đích kêu gọi… tài trợ cho dự án nhạc phim có cái "tên khủng" vì liên quan đến nhân vật lịch sử như “Nam Phương hoàng hậu” có sự tham gia của nhạc sỹ Dương Trường Giang. Đến nay, dự án được truyền thông rùm beng này cũng không thấy có dấu hiệu còn khởi động, hay được Thu Phương và Dương Trường Giang đả động gì đến nữa.
Sang đến dự án “Hội trăng,” với cá nhân người viết bài, cái tên Dương Trường Giang có vẻ như không phải là sự kết hợp đúng đắn của Thu Phương trong giai đoạn này. Thậm chí, sự khập khiễng về đẳng cấp và đường hướng, khiến sự kết hợp này còn có vẻ lạc lối, khiến Thu Phương sa vào vũng lầy, mất nhiều hơn được.
Làm mới nhạc dân gian, hoặc những ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại bằng phong cách nhạc điện tử, vốn không phải việc làm quá mới mẻ. Chưa kể, làm một cách chộp giật chỉ trong 19 ngày. Nghe thì tưởng được khoác áo sáng tạo song kỳ thực, hiệu ứng âm nhạc của “Hội trăng” mang hơi hướng “remix” dễ dãi, phù hợp để trình diễn giải trí trên sân khấu hơn là thể nghiệm mang tinh thần đột phá, hay để lại chút dư vị đặc biệt nào.
Nếu có thì bài "Thương" ca khúc mới duy nhất của Hoàng Dũng ghi điểm, bởi vừa vặn với Thu Phương. Cũng không phủ nhận, âm sắc Thu Phương trong đĩa này vẫn hay, vẫn đẹp, vẫn đầy trải nghiệm dù tiếng hát phát ra đầy vẻ gượng gạo, “cố đấm ăn xôi” để “thay áo” những ca khúc đã gắn với tên tuổi của Thanh Lam (Hồ trên núi), Tùng Dương (Mái đình làng biển, Con cò, Ôi quê tôi…) hay “cưa sừng” vẫn thênh thênh, duyên dáng “làm nghé” với những bản dân ca vẫn thường dành cho trẻ con bằng những bản mashup “Đưa cơm cho mẹ đi cày/ Về ăn cơm,” mà cách đây không lâu cũng đã được tiếng hát triển vọng Mỹ Anh, con gái nhạc sỹ Anh Quân và ca sỹ Mỹ Linh thu âm thành công và để lại dư âm đẹp.
Có vẻ như với hai dự án “Nam Phương hoàng hậu” và “Hội trăng”, Thu Phương đang muốn ca ngợi những nét đẹp tinh hoa của truyền thống văn hóa Việt Nam. Như lời bộc bạch: "Điều tôi mong muốn ở album này không phải là doanh thu, không phải là sự khẳng định vị thế hay bất kỳ điều gì. Đĩa nhạc này đơn giản là để tri ân, kỷ niệm, mang những nét đẹp của đất nước thể hiện qua âm nhạc, đến gần hơn với khán giả."
Những năm gần đây, sau khi trở về nước với hình ảnh giám khảo không mấy tốt đẹp liên quan đến bê bối thầy trò khi ngồi “ghế nóng” gameshow “Giọng hát Việt” cùng nhiều lùm xùm trong giới, Thu Phương càng cho thấy nhiều dấu hiệu quay lại với thị trường trong nước. Bên cạnh hoạt động biểu diễn, Thu Phương bắt đầu có những sự kết hợp với những nghệ sỹ trong nước, đại đa số là những cái tên mới và gương mặt trẻ.
Với một người dạn dày phong ba và kinh nghiệm làm nghề, có thể, Thu Phương cho rằng để khắc phục lại hình ảnh và cắm rễ một cách rộng khắp lấy lại thị trường, cô cần bám vào hào quang của người trẻ và đàn em để hâm nóng lại tên tuổi, cập nhật xu hướng âm nhạc bằng việc cover lại bản “hit” đình đám để theo kịp thời đại.
Việc kết hợp với Hà Anh Tuấn, Dương Trường Giang, hay Sơn Tùng M-TP, Hoàng Rob… hẳn Thu Phương hy vọng biên độ khán giả của cô sẽ mở rộng thêm, đi cùng là phân khúc thị trường, hát show event mà lâu nay giọng ca “Dòng sông lơ đãng,” chưa bao giờ mon men tới.
Xét về yếu tố thị trường, sự thay đổi về đường hướng của Thu Phương cũng có thể được xem là linh hoạt và thông minh để thâu tóm được lượng lớn khán giả trẻ và bình dân. Suy cho cùng, Thu Phương sau thời kỳ đỉnh cao của âm nhạc Việt Anh có quyền lựa chọn hướng đi đa mang như thế, buông tuồng và màu mè, chẳng đến cùng và không đi đến đâu.
Bởi cho đến nay, dù chưa bao giờ bước chân vào "chiếu diva" nhưng cái tên Thu Phương cũng đã chạm tới đỉnh cao với âm nhạc trữ tình, lãng đãng, đẹp bởi ẩn ức nội tâm và trải nghiệm của Việt Anh.
Sau đỉnh sẽ là sườn, và không phải ai cũng đủ tỉnh-thức, tự trọng và bản lĩnh để đứng yên trong những khoảng lặng của sự nghiệp.
Phần lớn sẽ lóng ngóng, loay hoay, trượt không phanh khỏi đường ray đẳng cấp, thậm chí dần có những biểu hiện lố của sự hết thời./.