Lâm Đồng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Từ nay đến năm 2016, Lâm Đồng sẽ tăng số lượng làng nghề lên 33 làng nghề, trong đó phát triển 12 làng nghề gắn với du lịch.
Lâm Đồng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch ảnh 1(Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN)

Hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với du lịch là một nội dung của Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014-2016, định hướng đến năm 2020, vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt với kinh phí thực hiện 8,2 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án là bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn...

Từ nay đến năm 2016, Lâm Đồng sẽ tăng số lượng làng nghề trên toàn tỉnh lên 33 làng nghề, trong đó phát triển 12 làng nghề gắn với du lịch.

Trong giai đoạn 2017-2020, Lâm Đồng phát triển lên 39 làng nghề và hỗ trợ 13 làng nghề gắn với các điểm, tuyến du lịch.

Giải pháp để hỗ trợ các làng nghề có sản phẩm gắn với du lịch (trồng hoa, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, dệt lụa...) là xây dựng khu trưng bày, tạo điểm đến cho khách du lịch.

Trong giai đoạn 2014-2016, tỉnh sẽ lựa chọn và phát triển 8 làng nghề thành các điểm du lịch trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đam Rông, thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc, đồng thời phát triển 4 làng nghề dọc theo các tuyến Quốc lộ 20, 27, tỉnh lộ 722, 725.

Trong khuôn khổ đề án, Lâm Đồng cũng sẽ triển khai các giải pháp khác để góp phần bảo tồn, phát huy các làng nghề như hỗ trợ về thị trường đầu ra cho các sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp du lịch tổ chức tour, tuyến.

Tỉnh sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng các làng nghề, nghề truyền thống để xây dựng các giải pháp bảo tồn, khôi phục và phát triển phù hợp; lồng ghép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục