Lạm phát của Anh lên mức cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,9% so với mức tăng 4,2% của tháng 10. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 9/2011.
Lạm phát của Anh lên mức cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua ảnh 1Người dân đi bộ dọc bờ sông Thames ở London, Anh ngày 1/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 15/12 công bố số liệu cho thấy lạm phát của nước này đã lên mức cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua.

Cụ thể, theo ONS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,9% so với mức tăng 4,2% của tháng 10. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Giới phân tích cho rằng một phần nguyên nhân đẩy lạm phát của Anh tăng cao là do giá nhiên liệu tăng.

Ông Grant Fitzner, nhà kinh tế trưởng của ONS, cho biết một loạt các đợt tăng giá đã góp phần khiến lạm phát tăng.

[Kinh tế Anh đang dần phục hồi, nâng dự báo tăng trưởng năm 2021]

Theo ông, giá nhiên liệu tăng đáng kể đã đẩy giá xăng trung bình lên mức cao chưa từng thấy. Chi phí quần áo tăng, cùng giá thực phẩm, ôtô cũ và thuế thuốc lá tăng cũng góp phần làm gia tăng lạm phát. Không chỉ vậy, việc suy giảm nguồn cung và giá hàng hóa nhảy vọt cũng tạo áp lực lạm phát.

Sau khi nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa phòng chống đại dịch, các công ty đã nỗ lực để đáp ứng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, khiến lạm phát tăng vọt.

Theo kế hoạch, trong ngày 16/12, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), có nhiệm vụ chính giữ lạm phát gần với mục tiêu 2%, sẽ công bố quyết định về chính sách tiền tệ trong bối cảnh biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đang gây nhiều xáo trộn.

Theo nhiều dự đoán, BoE có thể sẽ giữ mức lãi suất chủ chốt hiện nay ở mức thấp kỷ lục 0,1% nhằm ngăn ngừa những tác động có thể có của biến thể Omicron./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.