Lạm phát tại khu vực Eurozone ghi nhận mức cao kỷ lục mới

Giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng Chín tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 9,1% trong tháng Tám - mức tăng cao nhất kể từ khi Eurostat thực hiện thống kê về lạm phát.
Lạm phát tại khu vực Eurozone ghi nhận mức cao kỷ lục mới ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 30/9 cho thấy lạm phát tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng Chín này đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới, làm tăng sức ép đối với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong việc nâng lãi suất.

Giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng Chín tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 9,1% trong tháng Tám - mức tăng cao nhất kể từ khi Eurostat thực hiện thống kê về lạm phát. Tỷ lệ lạm phát trong tháng Chín tăng mạnh chủ yếu do giá năng lượng tăng tới 40,8%.

Mức lạm phát tăng cao được cho là sẽ càng gia tăng sức ép buộc ECB tiếp tục lộ trình tăng lãi suất hiện tại, trong nỗ lực hạ nhiệt giá cả bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu.

[Eurostat: Lạm phát ở Liên minh châu Âu tăng lên mức kỷ lục]

Ngày 8/9 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào sử dụng 20 năm trước đây và là lần thứ 2 ECB tăng lãi suất chỉ trong vòng vài tuần.

Phát biểu tại một sự kiện ở trụ sở Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 16/9, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết khi thiết lập chính sách tiền tệ, ECB phải tính đến tất cả những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát, cũng như những rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).

Bà nhấn mạnh các quyết sách của ECB có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực, nhưng đó là cái giá mà châu Âu phải chấp nhận bởi bình ổn giá là một ưu tiên quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.