Lạm phát thấp gây thêm sức ép mở rộng gói QE lên ECB

Lạm phát thấp đang gây khó khăn cho mục tiêu nâng lạm phát lên mức 2% của ECB và gây sức ép khiến ECB có thể phải mở rộng chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Lạm phát thấp gây thêm sức ép mở rộng gói QE lên ECB ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: blogs.ft.com)

Lạm phát thấp đang gây khó khăn cho mục tiêu nâng lạm phát lên mức 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và gây sức ép khiến ECB có thể phải mở rộng chương trình nới lỏng định lượng (QE).

Theo công bố của Cơ quan Thống kê châu Âu ngày 30/9, lạm phát trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã giảm xuống mức âm 0,1% trong tháng 9 mà nguyên nhân phần lớn là do giá năng lượng giảm.

Trước đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát của Eurozone, trong tháng 8 cũng giảm từ 0,2% xuống 0,1%.

Từ tháng 11/2014, chỉ số CPI hàng năm tại châu Âu không vượt quá 0,3%. Trong thời gian tới, dự báo chỉ số CPI của Eurozone sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp như hiện nay.

ECB bắt đầu thực hiện chương trình QE từ tháng Ba và kéo dài đến tháng 9/2016 với việc mua 60 tỷ euro trái phiếu/tháng nhằm kích thích kinh tế và nâng mức lạm phát lên 2%.

Tình hình tiêu cực này đang gây sức ép lên ECB khiến tổ chức này có thể phải gia hạn hoặc mở rộng gói QE.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's ngày 30/9 cho rằng ECB có thể phải mở rộng quy mô gói QE lên gấp đôi mức hiện nay.

Một số chuyên gia khác cho rằng ECB có thể tăng quy mô mua trái phiếu của các quốc gia lên cao hơn mức 60 tỷ euro/tháng hiện nay, có thể lên mức 70- 90 tỷ euro/tháng hoặc có thể kéo dài chương trình QE đến sau tháng 9/2016.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng ECB không chỉ chịu sức ép từ tình hình lạm phát thấp ở châu Âu mà cả áp lực từ nguy cơ suy thoái toàn cầu và những chỉ dấu tiêu cực từ nền kinh tế Trung Quốc.

Trước đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 30/9 cũng bày tỏ quan ngại về nhịp độ tăng trưởng kinh tế thế giới có thể bị chậm lại, trong khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết thương mại thế giới đang giảm sút.

Nhìn tổng thể, các chính sách của ECB trong đó có gói QE, đã thu được kết quả tích cực và khu vực Eurozone thời gian qua đạt được mức thặng dư thương mại ấn tượng, tăng trưởng chung của Eurozone được dự báo đạt khoảng 1,4% trong năm 2015 và có triển vọng tốt hơn trong các năm tới.

Trong giai đoạn khủng hoảng (từ năm 2008), Mỹ cũng đã phải thực hiện tới ba gói QE, vì thế khả năng ECB phải mở rộng gói QE hiện nay hoặc đưa ra một gói QE khác là hoàn toàn có thể.

Trường hợp ECB phải mở rộng gói QE sẽ gây ra nhiều tác động đối với các thị trường.

Thứ nhất, việc này sẽ khiến đồng euro giảm giá so các đồng tiền mạnh khác, nhất là với USD.

Thứ hai, điều đó kích thích sản xuất và xuất khẩu của EU vì dòng tiền trở lên dồi dào và đồng euro giảm giá khiến hàng hóa Eurozone trở lên rẻ hơn trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, nhập khẩu vào Eurozone sẽ giảm đi do hàng hóa đầu vào trở nên đắt đỏ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.