Lạm phát và lãi suất tạo sức ép lên các thị trường toàn cầu

Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đóng cửa thấp hơn trong phiên cuối cùng của tháng Tám; trong khi giá dầu thế giới đã giảm khi Trung Quốc áp đặt thêm các hạn chế để phòng chống dịch COVID-19.
Lạm phát và lãi suất tạo sức ép lên các thị trường toàn cầu ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phiên 31/8, các thị trường thế giới đều đồng loạt giảm do các số liệu lạm phát đáng lo ngại làm tăng khả năng các ngân hàng trung ương lớn sẽ triển khai thêm nhiều đợt tăng lãi suất trong thời gian tới.

Chứng khoán thế giới tiếp tục xu hướng giảm

Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đóng cửa thấp hơn trong phiên cuối cùng của tháng Tám, duy trì xu hướng giảm kéo dài bốn phiên liên tiếp sau lời cảnh báo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào tuần trước rằng ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tăng lãi suất

Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 31.510,43 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng sụt 0,8% xuống 3.955 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 0,6% và khép phiên ở mức 11.816,20 điểm.

Theo dữ liệu do Dow Jones Market Data tổng hợp, chỉ số Dow Jones kết thúc tháng 8/2022 với mức giảm 3,9%, trong khi S&P 500 mất 4,2% và Nasdaq lùi 4,6%.

Giới giao dịch hiện đang chờ đợi số liệu việc làm tháng 8/2022 của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 2/9 để có thêm thông tin về thể trạng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại khu vực châu Âu cũng đồng loạt đi xuống. Diễn biến này xảy ra sau khi báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng lên 9,1% trong tháng 8/2022, chủ yếu do giá nhiên liệu tăng cao. Điều này sẽ gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,1% xuống 7.284,15 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,7% xuống 12.873,48 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 1,4% xuống 6.125,10 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 1,3% xuống 3.517,25 điểm.

Ông Naeem Aslam, chuyên gia phân tích thị trường của chuyên trang dịch vụ tư vấn tài chính Markets.com, cho biết số liệu của Eurozone đã xác nhận rằng lạm phát đang di chuyển theo một hướng, đó là tăng lên. Điều này cho thấy ECB còn một chặng đường dài trước khi có thể đẩy lùi lạm phát.

ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tuần tới, sau khi đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ vào tháng Bảy để kiềm chế lạm phát tăng mạnh.

Thị trường năng lượng chịu thêm áp lực

Trên thị trường dầu thô, giá dầu thế giới đã giảm khi Trung Quốc áp đặt thêm các hạn chế để phòng chống dịch COVID-19, cùng khả năng thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran có thể “mở khóa” hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này.

[Giá dầu tăng gần 4% trước khả năng OPEC+ thắt chặt nguồn cung]

Phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2022 mất 2,09 USD (tương đương 2,3%) xuống 89,55 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 2,82 USD (2,8%) và đóng cửa ở mức 96,49 USD/thùng.

Tính chung trong tháng Tám, giá dầu WTI đã mất 9,2%, trong khi giá dầu Brent sụt tới 12%.

Yếu tố được thị trường quan tâm chính trong phiên này là thông tin tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 từ ngày 31/8 đến 3/9 để sửa chữa tuabin khí duy nhất đang hoạt động. Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt sự kiện đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, khiến giá khí đốt và điện tăng vọt trước mùa Đông lạnh giá.

Lạm phát và lãi suất tạo sức ép lên các thị trường toàn cầu ảnh 2Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một thông tin khác được thị trường chú ý là Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cùng ngày 31/8 thông báo dự trữ dầu thô của quốc gia này giảm 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/8. Con số trên cao hơn khá nhiều so với mức dự báo của giới phân tích là kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,9 triệu thùng trong cùng giai đoạn.

Dù vậy, thông tin trên không đủ mạnh để có thể nâng đỡ giá “vàng đen” đi lên trong phiên cuối cùng của tháng Tám.

Giá vàng kéo dài chuỗi giảm

Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên 31/8, góp phần tạo nên chuỗi giảm theo tháng dài nhất kể từ năm 2018. Yếu tố chính gây áp lực là bởi các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Phiên này, giá vàng giao kỳ hạn tháng 12/2022 của Mỹ giảm 0,6% xuống 1.726,2 USD/ounce. Tính chung cả tháng, giá kim loại quý này đã mất 3,1%, đánh dấu tháng giảm thứ 5 liên tiếp. Đây là chuỗi giảm dài nhất kể từ chuỗi 6 tháng giảm ghi nhận vào tháng 9/2018 đến nay.

Vàng được biết đến như một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ khủng hoảng địa chính trị và kinh tế. Nhưng môi trường lãi suất cao khiến tài sản không sinh lời kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Nhà phân tích Rupert Rowling của công ty dịch vụ tài chính Kinesis Money cho biết phản ứng của vàng khi tiếp cận ngưỡng quan trọng 1.700 USD/ounce sẽ cho thấy sự hỗ trợ đối với kim loại quý này ra sao trong bối cảnh thị trường lo ngại về suy thoái toàn cầu và chiến sự tại Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.