Làm rõ vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới

Những vấn đề lý luận-thực tiễn sau 30 năm đổi mới đã được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng Lý luận Trung ương diễn ra ngày 14/4.
Làm rõ vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới ảnh 1Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Ngày 14/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện chương trình toàn khóa và góp phần vào tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), tại kỳ họp thứ 11, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới.”

Chủ trì Hội thảo có ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh cho biết, đến năm 2016, công cuộc đổi mới đất nước tròn 30 năm.

Bước đầu qua tổng kết đã nổi lên 9 vấn đề mới hoặc có ý nghĩa quan trọng cần làm rõ trong quá trình tổng kết gồm nắm vững và giải quyết 8 mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh 1991 (được bổ sung, phát triển năm 2011) nêu ra; làm rõ hơn tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại và các giải pháp chủ yếu phấn đếu để đạt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa;

Làm rõ hơn những giải pháp khả thi để giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trung tâm, tạo động lực phát triển; làm sâu sắc hơn nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng; xác định vai trò, vị trí vấn đề phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, phương thức quản lý xã hội trong tư duy chiến lược của Đảng đồng thời cần nhận thức đẩy đủ, khách quan thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội ở nước ta để tăng cường quản lý xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội.

Tiếp đến là xây dựng hệ giá trị con người, dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; làm rõ và sớm thực hiện phương thức quản lý vùng, liên vùng, quản lý thống nhất, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực; tiếp tục làm rõ nội dung, mô hình và phương thức cầm quyền của Đảng, cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo-Nhà nước quản lý-nhân dân làm chủ, nhất thể hóa một số chức danh và tổ chức đảng, nhà nước.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cho rằng, cần phải làm rõ ba vấn đề trọng tâm trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gồm đổi mới tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong điều kiện vận hành của thị trường.

Nền kinh tế thị trường của chúng ta đi sau, nên có thể vận dụng những công cụ vận hành của thị trường, mà lịch sử phát triển của nó ở nhiều nước cho thấy là đúng đắn và phù hợp với điều kiện kinh tế-văn hóa-xã hội Việt Nam. Sự xuất hiện xung đột và mâu thuẫn lợi ích giữa các chủ thể khác nhau của thị trường, thường xuất hiện các nhóm lợi ích tác động đến chính sách và thể chế quản lý.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cho biết, thành phố nhận thức sâu sắc rằng, để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc đổi mới cơ chế kinh tế, cải cách hành chính và tài chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh phù hợp với chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế là những yêu cầu tất yếu trong quá trình tiếp tục sự nghiệp đổi mới toàn diện của Đảng.

Vì vậy, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn và nghiên cứu tổng kết sâu hơn để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, việc xác định các chủ trương, chính sách với hệ thống nhóm giải pháp để giải quyết những vấn đề dân sinh, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội cũng đang đặt ra cấp bách. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển xã hội bền vững là vấn đề lý luận quan trọng cần được đi sâu nghiên cứu.

Trong bài tham luận thay mặt Thường trực Thành ủy phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bà Thân Thị Thư đã nhấn mạnh đến 8 đề xuất, kiến nghị của thành phố với Trung ương về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Trước hết, cần sớm hoàn thiện cơ chế vận hành của 5 loại thị trường: Hoàn thiện và phát triển thị trường tài chính; thị trường bất động sản; xây dựng thị trường hàng hóa tương lai và phát triển mạng lưới thương mại hiện đại; hoàn thiện và phát triển thị trường lao động; hoàn thiện thị trường công nghệ.

Sau khi dành cả ngày 14/4 để thảo luận các vấn đề đặt ra, ngày 15/4, đoàn đại biểu Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ đi khảo sát thực tế tại các cơ sở tiêu biểu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục