Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm thanh tra, công an, kiểm sát và đang tiến hành kiểm tra, làm rõ để có kết luận chính xác, đầy đủ về vụ việc tranh chấp đất đai ở xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang.
Vụ việc này đã được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đưa tin trong một bản tin thời sự vào cuối tháng Hai vừa qua, trong đó nêu lên những kiến nghị, phản ánh của nhiều hộ dân ở xã Đào Mỹ cho rằng mình đã bị mất trắng đất sau 10 năm cho doanh nghiệp Anh Đào thuê. Người dân cho rằng có thủ đoạn "phù phép" biến đất của dân thành đất doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho rằng theo thông tin người dân phản ánh, có việc giả mạo giấy tờ, chữ ký trong các đơn xin tự nguyện trả ruộng trước thời hạn của các hộ dân. Về điều này, huyện không khẳng định được là có chính xác hay không, cần đợi công an điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai, trong việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không nhất thiết phải có loại giấy tờ này bởi vì trước đó, nhiều hộ dân ở xã Đào Mỹ đã ký vào các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho ông Dương Ngọc Đào (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Anh Đào) để công ty Anh Đào xây dựng cơ sở chế biến gỗ và sản xuất đồ mộc dân dụng tại khu Vườn Nứa, thôn Nùa Quán, xã Đào Mỹ.
Về vấn đề điều chỉnh trang 4 trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, ông Nghĩa thừa nhận có sơ suất của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương lúc đó là chưa chỉnh lý kịp thời (trên trang 4 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - sổ bìa đỏ) của người dân khi họ đã chuyển quyền sử dụng đất cho ông Đào, do đó, hiện nay một số người dân vẫn còn sổ bìa đỏ trên diện tích đất đã giao cho ông Đào.
Về thời hạn 10 năm (cho doanh nghiệp thuê đất) như người dân phản ánh, ông Nghĩa cho rằng sự việc này xảy ra đã lâu, liên quan đến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, cũng như trình tự thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Theo ông Nghĩa, muốn làm rõ vấn đề này cần phải có kết luận của đoàn kiểm tra.
Về việc người dân phản ánh đã cho thuê đất 10 năm, đến hết năm 2013 lại cho thuê tiếp, đây là việc người dân nói với phóng viên báo chí, cần phải điều tra làm rõ là ông Dương Ngọc Đào có nói như vậy không và nói vào thời điểm nào, thậm chí cần phải tiến hành đối chất giữa hai bên để làm rõ vấn đề...
Ông Dương Ngọc Đào, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Anh Đào khẳng định ông đã sử dụng số đất được Nhà nước nước cho thuê ổn định và liên tục hơn 10 năm nay không có tranh chấp.
Việc mua bán đất của ông là đúng và hợp pháp; ông sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả. Trước khi các hộ dân có đất bán chuyển nhượng cho ông, ông đã trao trả tiền đầy đủ cho các hộ dân cao hơn gần gấp đôi đơn giá nhà nước (theo ông Đào, đơn giá nhà nước lúc đó là 8.000 đồng/m2, ông đã trả cho các hộ dân 13.000 đồng/m2). Các hộ dân và ông Đào đã thống nhất, nhất trí ký vào các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.
Theo ông Đào, sau khi các hộ dân ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất với ông, Ủy ban Nhân dân huyện Lạng Giang đã có quyết định thu hồi đất và tổ chức công bố quyết định thu hồi đất của các hộ dân và giao cho doanh nghiệp của ông thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh với sự có mặt đại diện chính quyền địa phương và của nhiều hộ dân, trong đó có ông Ngô Gia Luật (nay đã mất) là người có nhiều ruộng nhất bán và đổi cho ông.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào thời điểm đó, trong một ngày (ngày 29/12/2003) Ủy ban Nhân dân huyện Lạng Giang đã ban hành 3 quyết định số 3154, 3155, 3156 đều do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Huy Chương ký, với nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất xã Đào Mỹ với tổng diện tích là 7.297m2 để sử dụng đất vào mục đích xây dựng xưởng sản xuất, chế biến gỗ mộc dân dụng 6.515m2, làm hành lang giao thông 782 m2.
Các quyết định cũng có nội dung thu hồi 7.131m2 đất nông nghiệp giao 20 năm của 30 hộ gia đình tại xã Đào Mỹ để sử dụng vào mục đích cho ông Dương Ngọc Đào thuê đất xây dựng xưởng sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ mộc dân dụng; chuyển mục đích sử dụng 7.297m2 đất (trong đó đất nông nghiệp hạng 4 diện tích 7.257 m2, đất hoang, mương diện tích 40 m2) tại thôn Nùa Quán, xã Đào Mỹ và cho ông Dương Ngọc Đào thuê 6.515 m2 với thời hạn cho thuê 35 năm để sử dụng vào mục đích xây dựng xưởng sản xuất, chế biến gỗ mộc dân dụng.
Tìm hiểu thêm về vụ việc, phóng viên TTXVN đã gặp một số người dân địa phương liên quan.
Ông Dương Quang Thiết, 59 tuổi, trú tại thôn Nùa Quán, xã Đào Mỹ cho biết năm 2003, gia đình ông có cho ông Dương Ngọc Đào, chủ doanh nghiệp chế biến gỗ Anh Đào trên địa bàn thuê 178 m2 đất nông nghiệp để ông Đào xây dựng cơ sở chế biến gỗ với giá thuê là 10.000 đồng/m2; thời hạn thuê là 10 năm.
Tuy nhiên, đến năm 2013, ông tá hỏa khi biết số diện tích trên đã được đứng tên trên giấy đăng ký quyền sử dụng đất của doanh nghiệp ông Đào.
"Khi nhận tiền và ký vào một văn bản nhận tiền thì chỉ có vợ tôi ký. Nhưng không hiểu vì sao chúng tôi lại có hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất trên hồ sơ của huyện. Tôi cũng không ký mà vợ tôi cũng không ký thì sao lại có hợp đồng được," ông Thiết cho biết.
Còn anh Nguyễn Khắc Phương, cùng ở thôn Nùa Quán thì cho biết gia đình anh cho ông Đào thuê 186m2 đất nông nghiệp và có nhận của ông Đào số tiền gần 2 triệu đồng cho thời hạn thuê 10 năm. Khi đó, chỉ có vợ anh là chị Vũ Thị Hiên ký nhận tiền chứ không có chuyện gia đình anh bán đất cho doanh nghiệp chế biến đồ gỗ của ông Đào.
Đến năm 2014, anh Phương, ông Thiết cùng hơn 10 hộ dân đã làm đơn tố cáo Ủy ban Nhân dân xã Đào Mỹ, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang giả mạo đơn, chữ ký của nhân dân để lấy đất giao cho doanh nghiệp Anh Đào...
Như vậy, ai đúng, ai sai, bản chất của vụ việc tranh chấp đất đai ở xã Đào Mỹ như thế nào phải đợi kết quả kiểm tra và kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng./.