Khu vực miền núi, biên giới, hải đảo là những vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên và có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, nhất là phát triển các đặc sản vùng miền.
Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn khiến hoạt động thương mại chưa thực sự phát triển.
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với giáo sư Hoàng Đức Thân, nguyên Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
- Xin ông cho biết những đánh giá về việc phát triển các hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo trong thời gian qua?
Giáo sư Hoàng Đức Thân: Hiện nay, Việt Nam có 415 huyện ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, 25 huyện ở hải đảo. Đây là vùng có diện tích rộng lớn trải dài từ Bắc tới Nam, từ miền núi đến hải đảo, chiếm đến 50% dân số cả nước, nhưng đây cũng là vùng kinh tế chậm phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn.
Xét về phát triển thương mại của khu vực này, trong những năm qua, nhờ có nhiều chính sách của Nhà nước và thu hút các nguồn đầu tư nên cùng với sự phát triển của thương mại cả nước, khu vực này cũng đã khởi sắc.
Thị trường khu vực miền núi đã bước đầu liên thông được với thị trường nội địa, phát triển và giao lưu quốc tế. Cơ sở hạ tầng khu vực này đã được chú ý đầu tư nên đã tạo nền tảng cho phát triển thương mại.
Tuy nhiên, sản xuất hàng hóa còn nhỏ lẻ manh mún, dựa trên nền tảng 3 không "không vốn đầu tư-không công nghệ-không nguồn lao động chất lượng cao."
Như vậy sẽ khó có thể phát triển bền vững và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp đến là chưa hình thành được các mạng liên kết, chuỗi sản xuất-phân phối.
Cuối cùng là, quy mô cầu nhỏ, phân tán nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Rõ ràng dư địa phát triển thương mại tại vùng núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo tại Việt Nam còn rất lớn.
[Tham vấn về đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số]
- Chính phủ đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế khu vực này, nhất là các chính sách phát triển hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại…Theo ông, các chính sách này có đạt hiệu quả như mong muốn?
- Giáo sư Hoàng Đức Thân: Trong thời gian vừa qua, khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và nhất là khu vực nông thôn thuần nông nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư và phát triển.
Các hệ thống chính sách, quy định của nhà nước đã tạo lập được môi trường pháp lý để thu hút đầu tư phát triển cho khu vực này và bước đầu tạo động lực để thu hút đầu tư từ xã hội.
Tuy nhiên, do chính sách thiếu đồng bộ, nhất quán, tập trung và đặc biệt là thiếu tính đặc thù nên hiệu quả thực thi chính sách chưa được như mong muốn.
- Theo ông, thách thức lớn nhất trong việc phát triển hạ tầng thương mại ở các khu vực này là gì?
Giáo sư Hoàng Đức Thân: Thách thức đầu tiên là điều kiện tự nhiên, địa lý không thuận lợi nên suất đầu tư lớn, nhưng hiệu quả đem lại rất nhỏ. Thứ hai, hệ thống giao thông, hạ tầng thông tin và truyền thông so với các vùng khác rất yếu kém, nhất là hệ thống thông tin truyền thông. Thứ ba, mâu thuẫn giữa nhu cầu đầu tư với khả năng đầu tư.
Bởi nhu cầu đầu tư vào hạ tầng thương mại là rất lớn nhưng nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước lại eo hẹp, nhất là giải ngân của hệ thống đầu tư công.
Về nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, các doanh nghiệp tại chính khu vực này thường là doanh nghiệp nhỏ lẻ, tiềm lực hạn chế, trong khi việc thu hút các doanh nghiệp từ vùng khác lại thiếu chính sách, môi trường không hấp dẫn nên nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, nhưng thực tế thu hút đầu tư rất ít. Đồng thời, thiếu tư duy và tầm nhìn chiến lược trong xây dựng đầu tư cơ sở vật chất nói chung và đầu tư hạ tầng thương mại nói riêng.
- Thưa ông, để giải quyết những khó khăn trong việc phát triển hạ tầng thương mại miền núi, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách đặc thù, ưu đãi riêng cho khu vực này. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Giáo sư Hoàng Đức Thân: Các chính sách đặc thù và cụ thể cho việc phát triển hạ tầng thương mại tại các khu vực này là rất cần thiết. Đặc thù là phải có một chính sách khác với chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu vực đồng bằng, các đô thị lớn.
Cụ thể, các chính sách phải theo trình độ phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương, theo từng loại hình kinh doanh thương mại. Chính sách cần đảm bảo tầm nhìn chiến lược, nhất quán, minh bạch trong chính sách phát triển chung của miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Chính sách đầu tư phải là chuyển từ cho-nuôi sang tạo lập môi trường, đầu tư phát triển để làm sao thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhưng cũng không khiến các nhà đầu tư ỷ lại vào Nhà nước; đồng thời phát huy được tính tích cực, chủ động của từng địa phương, doanh nghiệp.
- Một trong những khó khăn trong phát triển hệ thống chợ khu vực miền núi là chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo ông làm thế nào đề khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn?
Giáo sư Hoàng Đức Thân: Phát triển thương mại miền núi nói chung và phát triển hạ tầng, hệ thống chợ khu vực miền núi nói riêng dứt khoát phải dựa vào tư nhân và lấy tư nhân làm động lực chủ yếu; đồng thời phải đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư tư nhân.
Để thu hút được doanh nghiệp, Nhà nước phải bảo đảm, giữ cam kết về giải ngân vốn, đảm bảo vốn đầu tư của Nhà nước và coi đó là một trong những môi trường, động lực để thu hút đầu tư. Thêm nữa, các tỉnh miền núi cũng cần phải cải cách để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
- Hiện vẫn còn có sự phát triển không đồng đều về hạ tầng thương mại giữa các địa phương. Theo ông, cần làm gì để thu hẹp khoảng cách này?
Giáo sư Hoàng Đức Thân: Đầu tiên phải hạn chế sự phát triển quá tập trung tại các đô thị để tránh các nguồn lực đổ dồn về đây. Ngoài ra, phải theo nguyên tắc phân tán các trung tâm chứ không theo mô hình tập trung để có thể phát triển đồng bộ, đồng đều hạ tầng thương mại ở miền núi và từng bước hạn chế sự chênh lệch đó.
Theo đó, có 2 nhóm giải pháp: trước tiên là giải pháp trực tiếp tập trung vào phát triển hạ tầng. Giải pháp này cần một chiến lược tổng thể, quy hoạch chung về phát triển logistics trong cả nước; bảo đảm sự kết nối về hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông, đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng thương mại vùng sâu, vùng xa.
Nhóm giải pháp thứ 2 là trực tiếp phát triển thương mại khu vực này. Đây là điều kiện cần để phát triển cơ sở hạ tầng. Ở đâu thương mại phát triển ở đó sẽ thu hút nhà đầu tư, từ đó có sự kết nối tất yếu hình thành các yếu tố đáp ứng cung cầu.
Với đặc thù của khu vực miền núi là có đường biên giới dài, Nhà nước cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế cửa khẩu. Thực hiện tốt kết nối kinh tế cửa khẩu, kinh tế xuyên biên giới với phần còn lại của kinh tế nội địa sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh về thương mại trong nội bộ khu vực này và hòa chung vào cả nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!./.