“Làm sao để người dân đến bệnh viện không phải nơm nớp lo thiếu thuốc?”

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng vấn đề gốc rễ hiện nay là một mặt phải rà soát lại danh mục thuốc và phải tháo gỡ được điểm nghẽn hiện nay là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Kho thuốc tại một bệnh viện. (Ảnh: MQ/Vietnam+)
Kho thuốc tại một bệnh viện. (Ảnh: MQ/Vietnam+)

Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Đáng lưu ý, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ bảo hiểm y tế.

Tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế đã bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Bên lề hành lang quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương đã có những chia sẻ xung quanh những sửa đổi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Cần có quy định những danh mục các bệnh được thông tuyến

- Về vấn đề thông tuyến, chuyển tuyến được đưa ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, ý kiến của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Trong quá trình đi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tôi luôn luôn nhận được đề xuất của công dân, của cử tri để làm như thế nào có thể thực hiện được thủ tục thông tuyến, chuyển tuyến một cách nhanh nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, để thực hiện thông tuyến chuyển tuyến thì có mấy vấn đề mà chúng ta cần bàn.

Thứ nhất, nếu như không quy định chuyển tuyến nữa, khi đó người dân có thể chuyển viện lên tuyến trên sẽ dẫn đến một tình trạng rất khó khăn đó là tất cả các bệnh viện tuyến trên đều sẽ quá tải và những bệnh viện tuyến dưới thì lại rất ít bệnh nhân.

Bởi theo tâm lý thông thường của người bệnh có niềm tin là bệnh viện tuyến trên chắc chắn sẽ tốt hơn bệnh viện tuyến dưới. Vì vậy, người bệnh sẽ lên tuyến trên nhiều và hệ quả rất bất cập cho bệnh viện tuyến dưới có rất ít bệnh nhân đến khám.

Thứ hai là quá trình thanh toán khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế khi chúng ta phân bổ nguồn kinh phí sao cho hợp lý. Thứ ba, nếu như bệnh viện tuyến trên quá tải, bệnh viện tuyến dưới ít hoặc không có bệnh nhân sẽ dẫn đến tình trạng là bệnh viện tuyến dưới rất khó phát triển.

VNP_ba Viet Nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

- Vậy theo bà, làm sao để giải quyết được tình trạng liên quan đến câu chuyện chuyển tuyến một cách hài hoà hợp lý?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi, đây cũng là một bài toán chúng ta cần giải quyết bởi cũng có những bệnh hiểm nghèo người bệnh cần phải lên tuyến trên, nhưng nếu như thực hiện lần lượt đầy đủ tất cả các thủ tục chuyển tuyến như hiện nay thì người bệnh sẽ mất rất nhiều thời gian và thậm chí với một số các bệnh hiểm nghèo thì nó còn ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh không nhỏ.

Trong dự thảo Luật đã sửa đổi điều này, người dân được quyền thông tuyến khi có một số bệnh như bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm… Tuy nhiên để thực hiện điều này, Bộ Y tế phải có quy định một cách rất chi tiết, hợp lý những danh mục các bệnh được thông tuyến. Làm sao để người dân khi mắc những bệnh này được chuyển tuyến một cách nhanh gọn nhất. Tôi cho rằng quy định này là hợp lý.

Vì sao nhiều người vẫn không mặn mà với bảo hiểm y tế?

- Hiện nay, chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số. Tuy nhiên, nhiều người dân hiện nay cho rằng chưa “mặn mà” với bảo hiểm y tế vì tỷ lệ chi trả tuyến ban đầu thấp và chế độ chưa khuyến khích. Bà có những đề xuất hay ngành y tế cần có những thay đổi gì để thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng lên?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong dự thảo Luật bảo hiểm y tế, đã được bổ sung thêm nhiều đối tượng khác để phù hợp với các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong đó có chia thành nhiều nhóm khác nhau như: Nhóm người dân tự đóng, nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 phần, nhóm được ngân sách chi trả hoàn toàn… Việc chia ra mỗi nhóm có bổ sung thêm nhiều đối tượng.

Theo tôi, việc chia ra thành các nhóm là hợp lý, tuy nhiên mục tiêu của chúng ta là đến năm 2030, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 95% dân số và hiện đã đạt trên 91%, con số mục tiêu không xa nhau nhưng khoảng cách này sẽ rất khó thực hiện nếu chúng ta không có nhiều biện pháp. Vì tất cả những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, có nhu cầu thì đã tham gia rồi. Số phần trăm còn lại là số trường hợp khá khó khăn khi tham gia. Đặc biệt với bảo hiểm y tế tự nguyện, những người có nhu cầu đã tham gia; đa số còn lại là không có nhu cầu tham gia.

Để đạt tỷ lệ mục tiêu về số người tham gia, với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả chắc chắn sẽ thực hiện được vì người tham gia không phải trả tiền. Với đối tượng được chi trả một phần cũng có phần dễ đạt hơn. Tuy nhiên, đối tượng người dân tự trả tiền mua bảo hiểm y tế vẫn có khó khăn, có sự biến động của những người đã tham gia rồi nhưng không tham gia nữa, hoặc chỉ tham gia một thời gian rồi thôi.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần giải quyết ngay vấn đề khó khăn về thiếu thuốc, vật tư y tế. Hiện theo phản ánh của cử tri, có những lúc người dân có bảo hiểm y tế nhưng bệnh viện thiếu thuốc, họ phải tự mua thuốc ngoài, tự chi trả. Hoặc trường hợp thuốc và vật tư đó không nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế người dân phải tự bỏ tiền túi. Nếu người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện sẽ không có nhiều niềm tin vào bảo hiểm y tế vì khi cần được chi trả thì họ lại tự phải đi mua thuốc.

Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta muốn mở rộng người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thì phải khắc phục ngay tình trạng này. Bên cạnh đó là việc phải cân đối đến mức độ chi trả của bảo hiểm.

Bởi, cũng theo phản ánh của cử tri, nhiều người mua bảo hiểm y tế tự nguyện hiện nay họ cũng không mặn mà với bảo hiểm y tế. Vì khi họ cần sử dụng tới bảo hiểm y tế thì mức độ chi trả đặc biệt ở các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu rất thấp. Chẳng hạn như ở các trạm y tế cấp xã, phường mức chi trả hiện nay rất thấp. Họ cho rằng đã mua bảo hiểm y tế nhưng khi cần đến đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu thì chỉ được chi trả rất ít ỏi.

Đó là lý do vì sao người dân không mặn mà với bảo hiểm y tế. Vì vậy, ngành y tế cần làm sao để cải thiện được, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu như các trạm y tế cấp xã, phường. Bên cạnh đó cần phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và cân đối lại các quỹ chi trả bảo hiểm y tế, làm sao mức chi trả bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh ban đầu không quá thấp như hiện nay thì người dân sẽ tham gia đông hơn.

Và có một điều tôi rất trăn trở, đó là việc mà chúng ta tính số lượng người dân tham gia bảo hiểm y tế nhưng còn một số lượng người dân không tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện - không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng nhưng họ đã mua các gói bảo hiểm nhân thọ khác nhau và trong các gói bảo hiểm nhân thọ ấy có nội dung chăm sóc y tế, nội dung bảo hiểm y tế. Nên chăng, chúng ta phải thay đổi cách tính đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Chẳng hạn như với những người dân mua các gói bảo hiểm nhân thọ có nội dung bảo hiểm y tế cũng được tính là những người tham gia bảo hiểm y tế. Điều này sẽ làm tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế sẽ tăng lên rất nhiều.

Thiếu thuốc: Cần giải quyết dứt điểm từ gốc

- Hiện nay, câu chuyện về việc hoàn tiền thuốc cho người bệnh tự đi mua thuốc bên ngoài được đưa ra trong Luật dược sửa đổi, tuy nhiên nhiều người bệnh tỏ ra ái ngại tính thực thi liệu có hiệu quả hay chỉ dừng lại ở mức đưa ra trên giấy tờ? Ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Về vấn đề nếu danh mục thuốc bảo hiểm y tế bệnh viện không có thuốc thì sẽ thanh toán cho người bệnh. Hiện nay quy định của chúng ta đã có rồi, không phải chưa có quy định hiện hành. Luật bảo hiểm y tế hiện hành đã có quy định trong trường hợp mà thiếu thuốc và vật tư y tế người dân phải đi mua ở bên ngoài thì sẽ được thanh toán. Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra không phải tất cả các loại thuốc và vật tư y tế người dân đi mua đều được thanh toán mà phải có một danh mục nhất định của Bộ Y tế đối với loại bệnh gì và đối với loại thuốc gì thì được thanh toán.

Tuy nhiên, thực tế lại rất khác xa và còn nhiều vấn đề nảy sinh. Bởi nhiều khi do thiếu thuốc thì người dân sẽ không thể mua được chính xác loại thuốc như trong danh mục của bệnh viện mà sẽ phải mua thay thế bằng những thuốc có hoạt chất tương đương, và loại thuốc tương đương đó vì không trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế nên người bệnh vẫn không được bảo hiểm y tế thanh toán cho loại thuốc tự mua đó

Một điều vướng mắc nữa đó là hiện nay thủ tục thanh quyết toán tiền thuốc bảo hiểm y tế với người bệnh khi tự đi mua thuốc đang quá phức tạp đối với người dân, vì vậy người dân chấp nhận không thanh quyết toán nữa mà chấp nhận tự bỏ tiền mua.

Còn đối với những loại thuốc đắt tiền so với khả năng chi trả của người bệnh thì họ sẽ cố gắng, chật vật làm đủ các thủ tục để được thanh toán. Đây là rào cản rất lớn khiến cho chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ bảo hiểm y tế đang đi xuống và chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.

Vì vậy, tôi cũng rất muốn khi chúng ta sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế cần phải rà soát lại danh mục thuốc mà được bảo hiểm chi trả khi mà người dân phải đi mua bên ngoài. Nhưng điều quan trọng nữa là chúng ta phải giải quyết dứt điểm căn cơ tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế để làm sao người dân đến bệnh viện không phải nơm nớp nỗi lo thiếu thuốc như hiện nay.

Cho nên vấn đề gốc rễ hiện nay vẫn là một mặt chúng ta phải rà soát lại danh mục thuốc và thứ hai nữa là phải tháo gỡ được điểm nghẽn hiện nay là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đây là điều rất khó khăn, bởi vì nhiều khi chúng ta phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp thuốc do phải phụ thuộc rất nhiều các yếu tố bên ngoài. Chính vì vậy, bài toán đặt ra là chúng ta phải giải quyết từ gốc tình trạng thiếu thuốc chứ không chỉ dừng lại ở việc đưa danh mục thuốc đầy đủ hơn, phong phú hơn.

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các bệnh nhi thích thú vui chơi tại “Không gian cho em 2”. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mở rộng "cánh cửa" hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Sự phát triển của y tế hiện đại và sự hỗ trợ của xã hội đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo đó, tỷ lệ mắc bệnh được cứu sống tăng mạnh trong 20 năm qua.