Làm thế nào để xuất tôm tươi sang thị trường khó tính Australia?

Phía Australia đã bày tỏ sẵn sàng xem xét nhập khẩu tôm tươi nguyên con của Việt Nam và nếu mọi chuyện thuận lợi, con tôm tươi đầu tiên của Việt Nam sẽ lên đường sang Australia vào đầu năm 2017.
Làm thế nào để xuất tôm tươi sang thị trường khó tính Australia? ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong chuyến công tác sang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Australia vừa qua của đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu, phía Australia đã bày tỏ sẵn sàng xem xét nhập khẩu tôm tươi nguyên con của Việt Nam và nếu mọi chuyện thuận lợi, con tôm tươi đầu tiên của Việt Nam sẽ lên đường sang Australia vào đầu năm 2017.

Đây là một cơ hội rất lớn cho ngành nuôi cũng như xuất khẩu tôm của Việt Nam bởi tôm được tiêu thụ nhiều nhất trong các mặt hàng thủy sản ở Australia với lượng tiêu thụ hàng năm lên tới 50.000-60.000 tấn.

Để đáp ứng nhu cầu này, Australia mỗi năm phải nhập khẩu trung bình 30.000 tấn tôm. Tuy nhiên, do các quy định nghiêm ngặt về tôm và sản phẩm tôm nhập khẩu vào Australia, đặc biệt về kiểm soát dịch bệnh và an toàn sinh học, nên đến nay tôm nhập khẩu vào thị trường này mới chỉ dừng ở loại tôm tươi đông lạnh được bỏ đầu, bóc vỏ; tôm được nấu chín hay các sản phẩm tôm được chế biến sau như tẩm bột, ướp gia vị... mà chưa nước nào có thể đưa được tôm tươi nguyên con đông lạnh vào Australia, trong khi nhu cầu về loại tôm này rất cao.

Vậy, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nuôi, xuất khẩu tôm phải chuẩn bị những gì để không bỏ lỡ "cơ hội vàng" này.

Phóng viên TTXVN tại Sydney đã có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Cục Thú y Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Văn Đông và Phó Chủ tịch, Phó Tổng Giám đốc Đặng Quốc Tuấn của Tập đoàn Việt-Úc, một trong những doanh nghiệp đầu tiên được chọn xuất khẩu tôm tươi nguyên con vào Australia để tìm hiểu về vấn đề này.

Ông Phạm Văn Đông cho biết Australia là một quốc gia không có những bệnh ở thủy sản như bệnh đốm trắng, đầu vàng... do vậy cơ quan có thẩm quyền của Australia rất e ngại sự xâm nhiễm mầm bệnh thủy sản.

Chính vì vậy Cục Thú y đã có một kế hoạch hành động rất cụ thể liên quan đến việc kiểm soát dich bệnh, trong đó có kế hoạch quốc gia để kiểm soát dịch bệnh theo yêu cầu của Australia với hệ thống tổ chức từ trung ương tới cơ sở nuôi tôm giống hay các vật tư đầu vào đều được kiểm soát rất chặt chẽ nhằm đảm bảo khi tôm tươi nguyên con xuất khẩu vào thị trường Australia không có mầm bệnh.

Ông nhận định với việc được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp đầu tư, tăng cường nguồn nhân lực từ trung ương tới địa phương, trang bị nhiều thiết bị chuẩn đoán, xét nghiệm, nên ngành thú y có thể đảm bảo được các yêu cầu. Chính nhờ việc này này, trong những năm gần đây, việc kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó có cả dịch bệnh thủy sản đã được triển khai tốt, tạo được thế chủ động trong kiểm soát dịch bệnh.

Trong chuyến công tác vừa qua, đoàn cơ quan có thẩm quyền thú y của Việt Nam đã trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Australia về các yêu cầu vệ sinh thú y đối với việc xuất khẩu tôm sang thị trường Australia, khẳng định năng lực của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu về xuất khẩu tôm nguyên con từ Việt Nam sang Australia.

Như vậy, ở cấp quốc gia, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tương đối tốt. Còn đối với doanh nghiệp, vốn được Australia đặc biệt chú trọng tới việc các cơ sở tự giám sát về an toàn sinh học cũng như kiểm soát dịch bệnh, từ kinh nghiệm thực tiễn của Tập đoàn Việt-Úc, ông Đặng Quốc Tuấn chia sẻ việc đảm bảo an toàn sinh học trong phân khúc của chuỗi giá trị ngành tôm là hết sức quan trọng để đảm bảo con tôm an toàn cho người sử dụng, truy xuất được nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do vậy, yếu tố đầu vào cần được đảm bảo an toàn sinh học một cách tối đa. Tập đoàn Việt-Úc đã liên kết với các viện, trường hàng đầu của Việt Nam cũng như trên thế giới để thiết lập các SOP (quy trình hoạt động chuẩn) để đảm bảo các quy trình, thủ tục được vận hành từ trại tôm bố mẹ, trại tôm giống, nhà máy chế biến thức ăn cho đến các khu nuôi phải tuân thủ những quy trình hết sức nghiêm ngặt. Sau khi thiết lập các chuẩn mực đó, quá trình hậu kiểm cũng được quan tâm chu đáo.

Hệ thống báo cáo ghi nhận các quá trình hoạt động giúp giám sát, kiểm tra thường xuyên cũng được tập đoàn đặc biệt lưu ý. Ông Đặng Quốc Tuấn cho rằng đây là một giải pháp hỗn hợp, bao gồm việc hợp tác với các viện, trường để hình thành các quy trình hoạt động chuẩn, thiết lập các quy trình kiểm soát nội bộ, thiết lập hệ thống báo cáo cần thiết để đảm bảo các tiêu chuẩn này được áp dụng một cách nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất.

Theo ông, để đạt được các tiêu chuẩn phía Australia đặt ra về an toàn sinh học thì việc đầu tư và quản trị một cách chuyên nghiệp ở các doanh nghiệp là hết sức quan trọng, các doanh nghiệp cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt để xây dựng thương hiệu cho ngành tôm Việt Nam, đồng thời duy trì thương hiệu một cách bền vững, từ đó giúp thúc đẩy giá trị ngành tôm.

Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, ông Đặng Quốc Tuấn cho rằng trong ngành nuôi tôm, để đảm bảo đầu ra cuối cùng là một sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, cần tập trung nhiều vào kiểm soát dịch bệnh ở từng phân khúc của chuỗi giá trị này​.

Chẳng hạn trong phân khúc của phần nuôi thì lấy mẫu thường xuyên theo các quy định của luật pháp Việt Nam, đồng thời theo hướng dẫn của các viện, trường hàng đầu để có những xét nghiệm hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng theo những lịch trình nhất định để giám sát các yếu tố về dịch bệnh cho đầu vào, từ nguồn nước, thức ăn, hay các chế phẩm sinh học sử dụng.

Ông nhấn mạnh ở các trại giống, quy trình giám sát dịch bệnh còn nghiêm ngặt hơn, phải tuân thủ các quy định mà hiện nay ở Việt Nam áp dụng. Do Việt Nam là thành viên của Hiệp hội thú y toàn cầu nên các quy chuẩn này cũng là của thế giới và các quy chuẩn đó giúp cho quy trình quản lý giống đi theo một chuẩn mực tốt, đảm bảo con giống sạch đến tay người tiêu dùng.

Chính vì thế mà việc kiểm soát dịch bệnh ở trại giống ở Tập đoàn Việt - Úc được thực hiện khắt khe hơn rất nhiều so với khu nuôi, với mỗi lần xuất giống phải thực hiện các xét nghiệm theo đúng quy định của Việt Nam.

 

Đồng thời, công ty chủ động gửi các mẫu về nguồn nước hay các yếu tố đầu vào khác đến ba trung tâm độc lập ở Việt Nam theo quy trình riêng để đảm bảo các kết quả nhận được hoàn toàn khách quan và độc lập, giúp việc kiểm soát dịch bệnh được thực hiện ở mức tối đa.

Lý do để được chọn là một trong những doanh nghiệp đầu tiên có thể đáp ứng đủ các yêu cầu cao, xuất khẩu tôm tươi nguyên con sang thị trường khó tính này, ông Đặng Quốc Tuấn cho biết do đón trước được nhu cầu cao về con tôm sạch trên thị trường thế giới, nên doanh nghiệp đã xây dựng khái niệm "con tôm hoàn hảo" theo 2 yếu tố cơ bản nhất là truy xuất được nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do các công nghệ mà ngành nuôi tôm hiện nay đã phát triển cách rất xa so với cách đây 5-10 năm, nên doanh nghiệp có thể chủ động hoàn toàn trong quá trình sản xuất, từ tôm giống, tôm bố mẹ cho đến thức ăn, khâu nuôi, sau đó là chế biến. Ông bày tỏ tin tưởng với sự chuẩn bị sẵn sàng đó, Tập đoàn Việt-Úc sẽ có cơ hội xuất khẩu tôm tươi nguyên con sang thị trường Australia trong thời gian sắp tới, sau khi các cơ quan chức năng của Australia sang Việt Nam để đánh giá, kiểm tra lại vào quý 4 năm nay.

Ông Đặng Quốc Tuấn cho rằng Australia hiện đứng thứ 4 trong số các nước có nhu cầu nhập khẩu tôm lớn từ Việt Nam, nên khi trở thành nước đầu tiên trên thế giới xuất khẩu được tôm tươi nguyên con vào Australia sẽ không những giúp ngành tôm Việt Nam "cất cánh" bằng việc tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Australia, mà còn giúp cho ngành tôm Việt Nam gia tăng sản lượng để xuất khẩu vào các thị trường khác vì Australia là một trong những quốc gia có các yêu cầu về tuân thủ an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao.

Bằng câu chuyện mà chúng ta có thể chủ động xuất khẩu được tôm tươi nguyên con sang Australia sẽ đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ với các quốc gia khác, những nước có nhu cầu tiêu thụ tôm lớn trên thế giới là Việt Nam đã đứng vào hàng ngũ các quốc gia sản xuất tôm có chất lượng hàng đầu thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.