Lần đầu tiên triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn

Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015.
Lần đầu tiên triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Phát biểu khai mạc tại hội nghị “Hướng dẫn lập kế hoạch Đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020” được tổ chức sáng 2/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh lần đầu triển khai việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm nên sẽ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, vì vậy cần sự phối hợp, khẩn trương và quyết liệt của các địa phương để có thể trình và ban hành theo đúng kế hoạch.

Bộ trưởng cho biết việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015.

Tổng số sẽ có năm nghị định hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, đến nay, một số nghị định đang trong giai đoạn xây dựng dự thảo. Riêng nghị định về đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật đầu tư công đang khẩn trương xây dựng để có thể trình Chính phủ vào tháng 3/2015.

Cũng theo Bộ trưởng, theo quy trình, hiện nay đang làm bước 1, đó là thống kê các nhu cầu, báo cáo về tổng nguồn đầu tư (kể cả nguồn vốn trong nước và nguồn vốn ODA) dành cho 5 năm tới. Do đó, các nguồn vốn phân bổ trong 5 năm tới phải tuân theo trình tự theo năm ưu tiên như sau: Thứ nhất, ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án hợp tác công-tư ( PPP). Thứ hai, vốn đối ứng cho các dự án vốn ODA. Thứ ba, trả nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (từ 1/1/2015 sẽ không bố trí vốn kể cả vốn Trung ương và địa phương phát sinh nợ xây dựng cơ bản). Thứ tư, vốn cho những công trình chuyển tiếp, dang dở. Thứ năm, cân nhắc, xem xét các công trình khởi công mới.

Tại hội nghị, một số địa phương cho rằng đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thông báo mức vốn ngân sách Trung ương và mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, nên việc lập kế hoạch bố trí vốn cho các dự án gặp khó khăn.

Về việc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng đến nay, theo kết quả rà soát sơ bộ, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đều dự kiến tổng mức đầu tư quá lớn so với khả năng cân đối.

Bộ Kế hoạch và Đầu tưu đề nghị các Bộ, ngành và địa phương căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg và văn bản hướng dẫn số 5318/BKHĐT-TH và hướng dẫn tại hội nghị này, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch lần thứ nhất gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 28/2/2015.

Về tổng mức vốn đầu tư kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, căn cứ chỉ thị số 23/CT-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành rà soát loại bỏ các khoản vốn tăng bất thường trong những năm qua. Cụ thể, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước của các Bộ, ngành ở Trung ương và vốn bổ sung có mục tiêu (chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu...) tăng bình quân 10%/năm so với kế hoạch năm trước do Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo các đại biểu, đại diện các địa phương Yên Bái, Bắc Giang... các nội dung của dự thảo Nghị định về đầu tư công trung hạn là phù hợp và gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tế.

"Vấn đề đặt ra hiện nay là thời gian còn rất ngắn trong khi các dự án chuẩn bị đầu tư thì chưa có, kể cả dự án có nguồn vốn địa phương, dự án có nguồn vốn Trung ương. Có vốn chuẩn bị đầu tư thì mới có vốn cho xây lắp và như thế mới có được dự án tốt," Bộ trưởng nói và lưu ý trong việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, mỗi địa phương trừ những dự án chuyển tiếp sẽ được xem xét trình từ 1-3 dự án quy mô lớn, có tác động liên vùng, hiệu quả. Như vậy, có thể có địa phương không có dự án nào và một địa phương tối đa không có quá ba dự án.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã trực tiếp giải đáp những vướng mắc, khó khăn và các câu hỏi do các địa phương nêu ra.

Với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương trong cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đưa các kiến nghị, đề xuất phù hợp vào dự thảo nghị định về đầu tư công trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.