Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám giảm 0,07% so với tháng trước song vẫn tăng 0,61% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,61% so với tháng 12/2014. Như vậy, CPI bình quân tám tháng so với cùng kỳ năm trước chỉ nhích nhẹ tăng 0,83%.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, trong 10 năm qua, đây là lần đầu tiên CPI tháng Tám giảm so với tháng trước. Bên cạnh đó, CPI tháng Tám so với tháng 12/2014 cũng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%.
Cước vận tải “rẻ” nhờ xăng dầu giảm
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, ngày 24/7 cho thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính chỉ có 7 nhóm tăng giá, nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất và đạt 0,87%, tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với 0,03%.
Đáng chú ý, trong tháng này có 4 nhóm ngành giảm giá, nhóm giao thông có mức giảm cao nhất 2,12%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,45%, bưu chính viễn thông giảm 0,02% và hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%.
Bà Ngọc cho biết, nguyên nhân CPI tháng Tám giảm chủ yếu là do giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh trong hai đợt (ngày 20/7 và ngày 4/8), theo đó giá xăng giảm 1.080đ/lít (giảm 3,26%), giá dầu diezel giảm 1.930đ/lít (giảm 8,98%), giá dầu hỏa giảm 1.760đ/lít (giảm 8,83%).
Việc xăng dầu giảm giá đã giúp nhóm giao thông “rẻ” hơn 2,12%, đóng góp 0,19% vào mức giảm chung của CPI.
Ngoài ra, và Ngọc cũng cho hay, giá gas điều chỉnh giảm 8.000 đồng-10.000đồng /bình 12 kg (từ ngày 1/8), gas trong nước điều chỉnh xuống giá là do gas nhập khẩu trong tháng đã giảm 27,5 USD/tấn và chốt giá ở mức 382,5 USD/tấn. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas liên tục giảm với tổng mức gần 30.000đ/bình làm cho chỉ số giá gas giảm 2,5% so với tháng trước.
“Về yếu tố thời tiết, trên một số địa phương nắng nóng đã dịu bớt nên lượng điện tiêu dùng tại các hộ gia đình đã thấp hơn so với tháng trước đó và làm cho chỉ số giá nhóm điện giảm 0,32% đồng thời giá vật liệu xây dựng giảm nhẹ 0,01% do mùa mưa nên nhu cầu xây dựng chững lại,” bà Ngọc chỉ dẫn.
“Miếng bánh” gạo cấp thấp ngày càng nhỏ
Chỉ số giá lương thực tháng Tám đã giảm 0,16% so với tháng Bảy. Báo cáo CPI tháng Tám chỉ ra, những diễn biến phức tạp trên thị trường lương thực thế giới và khiến ngành xuất khẩu gạo Việt Nam gặp khó khăn. Cụ thể, từ tháng Ba đến nay, chỉ số giá lương thực của Việt Nam đã liên tục giảm, nguyên nhân chính là do tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Hiện, quốc gia này đang có sự kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới đồng thời họ lại mở rộng tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.
Thêm vào đó, Thái Lan trước đây chỉ tập trung xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây họ bắt đầu gia tăng chiếm lĩnh thị trường gạo cấp thấp, cạnh tranh thị phần trực tiếp đến phân khúc thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Mặt khác, thời gian gần đây Myanmar và Campuchia đã bất ngờ nổi lên với tư cách là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam và họ đang từng bước chiếm lĩnh uy tín trên thị trường.
“Xuất khẩu gạo gặp khó khăn đã tác động đến giá bán buôn, bán lẻ gạo trong nước giảm theo, cụ thể tại thị trường miền Bắc giá gạo tẻ thường hiện ở mức 10.000đồng-11.000 đồng/kg, ở thị trường miền Nam giá gạo tẻ thường 11.500 đồng-12.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon mức giá phổ biến từ 16.000đồng-17.000đồng/kg, gạo nếp thường là 18.000đồng-20.500 đồng/kg.
Ở trạng thái ngược lại, giá thực phẩm trong tháng lại tăng 0,16% so với tháng Bảy. Lý do, trong tháng này ở một số tỉnh miền Bắc mưa lớn thường kéo dài khiến cho giá mặt hàng thực phẩm tăng cao, như giá hàng thủy sản tươi sống tăng 0,67%; giá rau, củ quả tăng 0,49; giá trứng các loại tăng 1,09% do nhu cầu nguyên liệu tăng để chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp Rằm Trung thu sắp tới…
“Sóng” tỷ giá
Tháng Tám, thị trường chứng kiến sự biến động về tỷ giá bất ngờ của USD/VNĐ bị ảnh hưởng từ việc phá giá Nhân dân tệ của Trung Quốc. Cụ thể sáng 12/8, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo tăng biên độ tỷ giá USD/ VNĐ từ +/- 1% lên +/-2%, tỷ giá bình quân tháng dao động quanh mức 21.240 đồng- 22.106 đồng/USD.
Trong tháng, giá vàng trong nước tiếp tục “neo“ vào những biến động của giá vàng thế giới. Đáng ghi nhận tại phiên ngày 21/7, giá vàng thế giới lao dốc và chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, đạt 1.080 USD/ounce.
Một diễn biến khác sau đó, ba ngày liên tiếp (11-13/8) Trung Quốc đã bất ngờ phá giá Nhân dân tệ tới 4,6% khiến giá vàng lại tăng trở lại vượt ngưỡng 1.100USD/ounce. Thời điểm đó, giá vàng trong nước có lúc lên trên 35 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên khi tâm lý thị trường dần ổn định, giá vàng đã giảm xuống xoay quanh 34 triệu đồng/lượng.
Tháng Tám, giá vàng bình quân vẫn giảm 3,92%, cụ thể giá vàng trong nước (ngày 15/8/2015) dao động quanh mức 33,65 triệu đồng -34,27 triệu đồng/ lượng vàng SJC.
Về mức lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục), Báo cáo cho biết, tháng Tám vẫn tăng 0,1 % so với tháng Bảy và tăng 1,98% so với cùng kỳ.
Theo đó, lạm phát cơ bản tháng Tám so với cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 1,98%. Như vậy, bình quân tám tháng so cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,19% và cao hơn mức 0,61% và 0,83% tương ứng của lạm phát chung.
“Mức lạm phát cơ bản xoay quanh 2% như hiện này là mức cân bằng bền vững, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững,“ bà Ngọc đánh giá./.