Bài 2: Trung Quốc - “Ngư ông đắc lợi” trong lĩnh vực STEM

Làn sóng ồ ạt “chảy máu chất xám” ở Mỹ và Australia -Bài 2

Trung Quốc đang sử dụng mọi phương pháp để có được "công nghệ, kiến thức và nhân tài" từ nước ngoài và nghiễm nhiên hưởng lợi từ việc những nhân tài trong lĩnh vực STEM ồ ạt rút khỏi Mỹ và Australia.
Làn sóng ồ ạt “chảy máu chất xám” ở Mỹ và Australia -Bài 2 ảnh 1Trung Quốc nỗ lực thu hút các nhân tài trong lĩnh vực STEM. (Nguồn: ABC News)

Bài 2: Trung Quốc thành “ngư ông đắc lợi”

Giới quan sát nhận định rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc những nhân tài trong lĩnh vực STEM ồ ạt rút khỏi Mỹ và Australia.

Ngay từ năm 2001, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết mọi tầng lớp xã hội nên "khuyến khích và thu hút những tài năng xuất sắc của dân tộc Trung Hoa ở nước ngoài trở về Trung Quốc làm việc bằng nhiều cách - hoặc phục vụ sự phát triển của quê hương dưới các hình thức khác nhau."

Kế hoạch "nghìn nhân tài" của Trung Quốc

Những "hình thức khác nhau" này, theo nhận định của các học giả hàng đầu về Trung Quốc như Didi Kirsten Tatlow, có nghĩa là Bắc Kinh sẽ sử dụng mọi phương pháp để có được "công nghệ, kiến thức và nhân tài" từ nước ngoài.

Kế hoạch “Nghìn nhân tài” gây tranh cãi chỉ là một ví dụ. Chương trình được khởi động năm 2010 nhằm lôi kéo các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở nước ngoài quay trở lại để giúp đưa đất nước này trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về khoa học và công nghệ.

Một kế hoạch “Nghìn tài năng thanh niên” (YTT) tương tự đã được đưa ra cho các nhà nghiên cứu mới vào nghề. Mặc dù nhiều người cho rằng kế hoạch “Nghìn nhân tài” dành riêng cho các nhà khoa học Trung Quốc trở về nước, song một nghiên cứu mới đây cho thấy chương trình này thực sự thu hút các nhà nghiên cứu trẻ có nguồn gốc không phải người Trung Quốc.

Yabo Wang, đồng tác giả của nghiên cứu và là Phó Giáo sư chiến lược tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: “Trong 9 hoặc 10 nhóm đầu tiên của YTT được tuyển dụng, hơn 100 nhà khoa học không phải là người Trung Quốc. Có rất nhiều nhà khoa học trẻ và có năng lực ở những nơi như Bắc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Nhật Bản không nhận được sự hỗ trợ để theo đuổi nghiên cứu độc lập tại quê hương của họ."

Có vẻ như Trung Quốc đang gặt hái thành quả từ các chương trình của mình, với nghiên cứu mới đây cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ khi có 1% các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất.

Giáo sư Wang cho biết về lâu dài, các học giả trẻ được YTT và các chương trình khác lôi kéo sẽ trở thành trụ cột của khoa học hàn lâm Trung Quốc.

Ông cảnh báo: "Nếu Australia và Mỹ không cải cách cơ chế tài trợ nghiêm túc để tạo thêm cơ hội cho các nhà khoa học giai đoạn đầu, thì những nước như Trung Quốc với các chương trình tuyển dụng nhân tài chắc chắn sẽ hấp dẫn họ."

Giới chuyên gia cũng cảnh báo sự cạnh tranh sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Chris Tang, Giáo sư xuất sắc về Quản trị Kinh doanh tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), cho biết mong muốn của Trung Quốc về tài năng trẻ sẽ tăng lên khi đất nước này không được tiếp cận với công nghệ quan trọng ở phương Tây.

Ông nói: “Vì vậy, nếu (Trung Quốc) thực sự muốn triển khai công nghệ 5G, nếu họ muốn cải thiện về mặt chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học và khám phá không gian, họ cần nhiều tài năng hơn để bắt kịp."

Triển vọng thu hút nhân tài của Australia

Theo Yun Jiang, Nghiên cứu viên về các vấn đề Trung Quốc của Viện Quan hệ Quốc tế Australia, Australia chỉ mới nhận ra sự cạnh tranh toàn cầu đang nóng lên trong thời gian gần đây.

Bà cho rằng bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm thu hút nhân tài đến Australia, quốc gia này vẫn quá "chậm chân" trong cuộc cạnh tranh toàn cầu so với Trung Quốc.

Làn sóng ồ ạt “chảy máu chất xám” ở Mỹ và Australia -Bài 2 ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Hrm Asia)

Bà nói: “Australia cần tham gia nhiều hơn và cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thu hút nhân tài," đồng thời kêu gọi Australia phải bắt kịp Trung Quốc trong việc tuyển dụng nhân tài.

Peter Chesworth, quyền Giám đốc điều hành các trường đại học Australia, cho biết Australia là “ngôi nhà của hàng trăm nghìn sinh viên và nhà nghiên cứu quốc tế, những người có đóng góp đáng kể về kinh tế và xã hội cho Australia. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với chính phủ về việc xử lý thị thực và sẽ tiếp tục ủng hộ một hệ thống minh bạch và trơn tru, duy trì sự liêm chính trong các quy trình của chúng tôi và hỗ trợ an ninh quốc gia cũng như sự thịnh vượng trong tương lai của chúng ta."

Trong một tuyên bố với ABC, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Australia Chennupati Jagadish cho biết nước này có một hệ thống khoa học lành mạnh với "lịch sử mạnh mẽ chào đón các nhà khoa học từ mọi nền tảng, bất kể các vấn đề địa chính trị rộng lớn hơn.

Học viện hoan nghênh những nỗ lực nhằm thu hút nhân tài khoa học, xóa bỏ các rào cản quan liêu và cải thiện khả năng cạnh tranh của Australia trong cuộc đua toàn cầu về nhân tài khoa học."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.