Những ngày cuối tháng Tám này, người dân cả nước vui mừng chào đón Quốc khánh 2/9 và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiều tấm gương điển hình được các cơ quan, đơn vị, địa phương tôn vinh vì có nhiều thành tích sáng tạo, cống hiến tâm, sức vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là cán bộ phải gương mẫu
Là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, chị Lê Thị Lụa là một trong những cá nhân điển hình gây nhiều ấn tượng nhất trong danh sách 26 người tham dự chương trình Giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Bí thư, Chủ tịch xã Việt Thành Lê Thị Lụa được người dân vùng núi cao yêu mến gọi là nữ "thuyền trưởng" vì đã có công đưa kinh tế của xã phát triển nhanh chóng.
Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua và thưởng 200 triệu đồng; được Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng 1 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 10,5% năm 2011 nay giảm xuống còn 2,18%; thu nhập bình quân đầu người từ 8,5 triệu đồng/năm nay đạt 30 triệu đồng/năm; từ chỗ cả xã chỉ có 2km đường bêtông, nay các đường trục chính và đường về các thôn, xóm đã cơ bản được bê tông hóa.
Đạt được nhiều thành tích như vậy nhưng vị lãnh đạo vùng cao vẫn khiêm tốn cho rằng mình chưa làm được nhiều cho dân mà cần phải cố gắng hơn nữa.
Chị Lụa cho biết làm cán bộ phải gương mẫu, thực sự gần dân, vì dân, sâu sát cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, không ỷ lại vào nguồn vốn của trên mà phải xác định tiêu chí nào thuận lợi, phù hợp với khả năng của xã, thôn thì ưu tiên làm trước; phát huy mọi nguồn lực của địa phương, trong nhân dân cho phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con…
"Tôi xác định học tập Bác Hồ không phải là học việc gì lớn lao. Học tập Bác Hồ về tác phong bình dị, giản dị, phong cách làm việc biết kính trên, nhường dưới, vì mọi người. Bên cạnh đó là học theo các bậc lãnh đạo đi trước và học ở dân. Phải xuống để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân," chị Lê Thị Lụa chia sẻ.
Chị Lụa cho rằng, muốn tạo được sức mạnh tổng hợp, để người dân đồng lòng, lãnh đạo phải nêu gương, làm trước. Đó cũng là lý do vợ chồng chị sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường. Hành động đó đã lan tỏa khiến nhiều người khâm phục, làm theo.
[Ra mắt sách ảnh '50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh']
Nói về cảm xúc khi được chọn về Thủ đô tham dự chương trình giao lưu, chị Lê Thị Lụa cho biết chị không bao giờ nghĩ sẽ có ngày này, những nỗ lực của mình được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là động lực lớn nhất để tiếp tục cống hiến.
Học tập Bác mỗi ngày
Là một quân nhân, Thượng úy A Hí, 32 tuổi, Trung đội trưởng, Đại đội Huấn luyện, Tiểu đoàn 19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, được coi là tấm gương tiêu biểu cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ noi theo vì luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Được chọn là cá nhân tiêu biểu dự chương trình giao lưu, A Hí cho rằng đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng gắn với trách nhiệm lớn lao. "Tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với ghi nhận của Đảng, nhà nước và đơn vị," Thượng úy A Hí cho biết.
Theo A Hí, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho toàn dân noi theo. Những tư tưởng của Bác rộng khắp trong mọi lĩnh vực cũng như đời sống xã hội.
Không thể học hết, A Hí lựa chọn những nội dung phù hợp nhất với công việc và hoàn cảnh của mình để làm theo. Anh tự đề ra cho mình mục tiêu “Mỗi ngày làm một việc tốt.”
Nói được làm được, hơn một năm qua, A Hí đã làm được nhiều việc tốt cho đơn vị và đồng chí, đồng đội. Đặc biệt, A Hí được chỉ huy đơn vị tin tưởng, giao chịu trách nhiệm chính trong huấn luyện thể lực mà trực tiếp là môn Bơi.
Với kiến thức, phương pháp đã được học tại trường, kết hợp với kinh nghiệm tích lũy được qua các lần tham gia hội thao cấp Bộ Chỉ huy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, A Hí đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp phù hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện bơi cho chiến sỹ mới: từ việc hướng dẫn kỹ thuật động tác, trình tự các bước, công tác đảm bảo an toàn, chuẩn bị các dải bơi, vị trí luyện tập kỹ thuật dưới nước…, qua đó, 100% chiến sỹ mới đã biết bơi, trên 80% thành thạo động tác bơi ếch.
Cục Quân huấn, Bộ tổng Tham mưu kiểm tra công tác huấn luyện thể lực đã đánh giá cao kết quả huấn luyện bơi của đơn vị.
"Mỗi khi đơn vị triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đã giúp tôi thấm nhuần và hiểu nhiều hơn về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ, để tiếp tục nỗ lực phấn đấu," Thượng úy A Hí chia sẻ.
Say mê công việc
Một trong những tấm gương điển hình về tình yêu nghề và say mê công việc là Đại úy Nguyễn Văn Thuận, Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân.
Mới 28 tuổi nhưng Thuận đã lập được kỳ tích trong sự nghiệp của bản thân, để lại nhiều dấu ấn. Anh sẽ còn được các thế hệ đồng nghiệp nhắc đến nhiều lần vì là phi công đầu tiên lái thủy phi cơ DHC-6 về Việt Nam.
Với hơn 1.450 giờ bay huấn luyện và nhiệm vụ tích lũy, anh trở thành phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam ở độ tuổi còn rất trẻ.
Đại úy Nguyễn Văn Thuận kể, năm 2013, anh tốt nghiệp và nhận bằng phi công thương mại ở Canada, chuẩn bị về nước được các thủ trưởng giao nhiệm vụ mới: ở lại làm trợ giảng, phiên dịch các lớp kỹ thuật máy bay.
Bên cạnh đó anh tham gia chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt khác: đưa máy bay DHC-6 đầu tiên từ Canada về Việt Nam.
Phi công Nguyễn Văn Thuận là phi công đầu tiên và duy nhất của Hải quân Việt Nam được thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Chuyến bay kéo dài 50 giờ bay trên không, đi qua 7 sân bay, 5 quốc gia và trong 10 ngày.
Đây là máy bay có thể hạ - cất cánh trên mặt nước, đáp ứng nhiệm vụ của đơn vị Lữ đoàn 954 thường xuyên thực hiện chở, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, chở thủ trưởng các cấp đi công tác tại Trường Sa và có một nhiệm vụ đặc biệt khác là trinh sát, Đại úy Thuận cho biết.
Chia sẻ bí quyết dẫn đến thành công, Thuận cho biết tất cả đều xuất phát từ niềm nam mê, chịu khó học hỏi, tìm tòi. Bố mẹ đều là nông dân nên không hề có sự hỗ trợ nào từ người thân, chàng thanh niên gốc Nam Định cho biết, anh thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn là sinh viên của Học viện Hải quân, đó là tính tự giác học tập, tự nghiên cứu. Đó cũng là lý do để anh vượt qua được rào cản ngôn ngữ và tốt nghiệp với số điểm cao sau khi kết thúc khóa học ở Canada.
"Mọi người phải mất 6 tháng để học ngoại ngữ nhưng tôi đề ra cho mình mục tiêu chỉ 3 tháng. Muốn làm được điều đó, tôi đã phải thức rất nhiều đêm để luyện tập", Đại úy Thuận chia sẻ.
Không chỉ trong học tập, đối với công việc, Đại úy Nguyễn Văn Thuận chưa bao giờ cho phép mình hài lòng với kết quả đã đạt được mà luôn nỗ lực nghiên cứu để tìm ra phương pháp làm việc hiệu quả, vì nhiệm vụ của anh là đảm bảo an toàn cho rất nhiều người, cần sự chính xác tuyệt đối./.