Để khởi nghiệp thành công rất cần tốc độ để chớp thời cơ và không bỏ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi các start-up luôn phải đi đúng hướng và đây thực sự là một thách thức.
Tại Việt Nam, tuy còn mới mẻ, nhưng một hệ thống những nhà cố vấn (còn gọi là mentor) đang dần thành hình và bước đầu giúp định hình chiến lược, tư tưởng của các start-up trong thời gian qua.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo của Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) đã chia sẻ về vấn đề này.
- Thưa ông, hiện nay phong trào khởi nghiệp đang lan rộng. Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu đào tạo và nhu cầu mentor của các start-up hiện nay?
Ông Phạm Tuấn Hiệp: Hiện nay, nhu cầu đào tạo, cố vấn ngày càng cần thiết do phong trào khởi nghiệp đang lên cao, đặc biệt là trong giới trẻ, sinh viên.
[Khởi nghiệp phải làm như cách của… hacker]
Chúng tôi làm việc trong nhiều trường đại học, qua từng cuộc thi khởi nghiệp thì thấy rằng trong mỗi năm số nhóm hình thành, tham gia thi ngày càng đông. Tuy nhiên, các start-up, đặc biệt là các sinh viên trẻ cần chuẩn bị thêm cả kiến thức cũng như chuẩn bị kế hoạch triển khai cho ý tưởng kinh doanh và nâng cấp ý tưởng lên theo từng giai đoạn.
Khi các bạn phát triển nhanh, các bạn muốn triển khai sớm, thì cần phải trang bị hành trang cho mình. Hành trang đó là ý tưởng kinh doanh, vốn, nguồn lực về con người nhưng không thể thiếu năng lực, kinh nghiệm, kiến thức của các sáng lập viên.
Các start-up trẻ hiện nay rất cần được đào tạo, cố vấn vì càng ngày các bạn tham gia khởi nghiệp càng phá kỷ lục về độ tuổi, sức trẻ. Vì trẻ tuổi nên năng lượng rất nhiều, tiềm lực nhiều nhưng cần phải bổ sung cả kiến thức và kinh nghiệm.
Ví dụ khi trao đổi về khởi nghiệp tinh gọn hoặc tư duy trong khởi nghiệp, có những lúc các bạn được đề cập tới khởi nghiệp tinh gọn về thiết kế, ý tưởng… Tuy nhiên, đây là các đề cập rất sơ khởi…
Do đó, cần phải tổ chức các khóa đào tạo để bù đắp vào những thiếu hụt này của các start-up trẻ.
- Vậy theo ông, việc thiếu kinh nghiệm có phải là điểm yếu “chết người” của các start-up trẻ hiện nay?
Ông Phạm Tuấn Hiệp: Thực ra, tôi thấy không phải là điểm yếu vì việc này chỉ mang tính chất quy luật. Do đó, để khởi đầu thuận lợi, lời khuyên cho các start-up trẻ là họ nên song hành với các đơn vị ươm tạo, những người có kinh nghiệm khởi nghiệp để cập nhật các kỹ năng cần thiết…
- Đề án 844 (hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia) được cộng đồng khởi nghiệp đánh giá cao dưới góc độ chính sách. Vậy, điều mà đề án mang lại trong quá trình đào tạo của BK-Holdings là gì?
Ông Phạm Tuấn Hiệp: Khi tham gia Đề án 844, BK-Holdings đã tham gia các hoạt động của đề án từ Techfest 2015, 2016 và 2017.
Mỗi đợt Techfest là một dấu ấn rất lớn để chúng tôi được tham gia vào “đại hội” của làng khởi nghiệp, gặp gỡ các bạn bè, đồng nghiệp và rất nhiều đối tác, có dịp để được đặt mình vào vị trí để nhìn toàn cảnh của làng khởi nghiệp của Việt Nam.
[Cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo]
Cụ thể trong đề án 844, BK-Holdings được giao 2 nhiệm vụ là nhiệm vụ phát triển cộng đồng mentor và phát triển đội ngũ cộng đồng investor. Cả 2 nhiệm vụ này đều chính thức triển khai từ tháng 9/2017.
Cho đến nay, đây cũng là một khoảng thời gian gắn kết và trong thời gian vừa qua BK-Holdings tập trung vào các hoạt động chuẩn bị, thiết kế nội dung để đào tạo và cũng bắt đầu triển khai được một số hội thảo, một số khóa đào tạo ngắn.
- Là một trong những người tham gia vào hoạt động đào tạo cũng như mentor cho các start-up, năm 2017, BK-Holdings đã làm được gì?
Ông Phạm Tuấn Hiệp: BK-Holdings thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội và là 1 trong những đơn vị hoạt động tích cực nhất trong trường tham gia xây dựng vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi tập trung rất nhiều vào 2 mảng: đào tạo (trong hệ sinh thái khởi nghiệp) và trực tiếp tham gia cố vấn.
Thực tế, BK-Holdings đã bắt đầu tập trung làm vào khoảng nửa sau năm 2017 và vì thế chúng tôi mới chỉ triển khai được bề rộng với các khóa đào tạo ngắn 3 - 7 ngày. Các khóa đào tạo này hiện cấp độ “khai tâm mở trí” và giới thiệu cho các bạn trẻ phương pháp, khái niệm của khởi nghiệp, khởi nghiệp tinh gọn.
Thời gian vừa qua, chúng tôi tập trung khá nhiều vào các cuộc thi khởi nghiệp trong phạm vi trường đại học như Khởi nghiệp Kawai, Khởi nghiệp Việt–Đức và gần đây là cuộc thi Sáng tạo trẻ... ở cấp độ ban giám khảo, cố vấn và các hoạt động đào tạo.
Tại mỗi cuộc thi như vậy, BK-Holdings được làm việc với 50 nhóm ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên và việc này sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!