Tại cuộc hợp báo Chính phủ tối ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại trên 200 nước. Do vậy, mặc dù nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao nhưng chưa thể mở hoàn toàn như trước đây.
Kịch bản mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra là đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ông Phương nhận định dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.
[Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng trên 5% trong năm 2020]
Trước tiên, kiểm soát dịch thành công với số ca nhiễm mới tăng chậm, tăng nhanh số ca được điều trị khỏi, hạn chế tối đa số ca tử vong không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn có ý nghĩa lớn trong việc củng cố thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước; nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
"Việc giảm thiểu số ca nhiễm ở mức tối đa cũng có nghĩa là tạo điều kiện phục hồi nền kinh tế sau này được nhanh hơn," ông Phương nhấn mạnh.
Sau khi dành ưu tiên cho kiểm soát dịch, duy trì hoạt động sản xuất đầu tư thì khi nguy cơ dịch bệnh đã được giảm đi nhiều, chúng ta sẽ phục hồi dần dần. Bộ kế hoạch Đầu tư cũng tham mưu cho Chính phủ sẽ mở lại dần dần hoạt động của nền kinh tế mà trước tiên tập trung vào thị trường trong nước. Đối với thị trường nước ngoài, trong bối cảnh hiện nay mặc dù tình hình dịch tại nước ta có khả năng kết thúc sớm nhưng trên thế giới vấn đề này vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Vì vậy, thời điểm này nền kinh tế Việt Nam chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải song song giữa phòng chống dịch với phục hồi tăng trưởng.
"Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng kịch bản trạng thái 'bình thường mới'. Vì vậy, mỗi chính sách đề ra phải kết hợp cho mục tiêu kép là phòng chống dịch và phát triển kinh tế," ông Phương nói.
Ông Phương nêu ví dụ chính sách vận tải hàng không mới mở nội địa. Nếu mở các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam phải thực hiện quy định về cách ly. Việc đảm bảo an toàn này lại hạn chế kinh doanh hàng không chưa thể nhộn nhịp như trước đây.
Cũng theo ông Phương, bộ sẽ sớm xây dựng các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.
Các cơ quan chức năng cũng xác định cần tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát./.