Ngày 7/10, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ tham dự một cuộc họp trực tuyến đã nhất trí rằng các chuỗi cung ứng những sản phẩm chủ chốt cần phải đa dạng hóa hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm bộc lộ nhiều điểm yếu.
Cuộc họp do Hội đồng doanh nghiệp Nhật-Mỹ và Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Nhật tổ chức, thảo luận các chủ đề khác nhau, trong đó có việc đối phó với tác động của dịch COVID-19 và vấn đề giảm khí thải carbon.
Sau 2 ngày thảo luận, hội đồng doanh nghiệp của 2 nước ngày 7/10 ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh hợp tác giữa các đồng minh, cũng như giữa các khu vực công và tư, là cần thiết để xây dựng những chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy và giảm thiếu nguy cơ đối với doanh nghiệp.
Dịch bệnh COVID-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu của các chuối cung ứng một loạt sản phẩm, từ thiết bị bán dẫn đến vaccine phòng COVID-19. Tình trạng thiếu chip toàn cầu và thiếu linh kiện do các nhà máy ở Đông Nam Á đóng cửa đã làm lu mờ triển vọng phục hồi kinh tế bền vững.
[Những vấn đề trong chuỗi cung ứng đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu]
Trong bối cảnh trên, tuyên bố chung của hội đồng doanh nghiệp hai nước cho rằng việc nội địa hóa, hay đưa sản xuất về nước, là "không thực tế và không nên làm như vậy," đồng thời khẳng định chìa khóa để xây dựng những chuỗi cung ứng mạnh là đa dạng hóa các chuỗi cung ứng giữa các nước, đặc biệt là những nước có mục đích tương đồng.
Các lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi chính phủ hai nước thúc đẩy và tham gia các thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP).
Về dịch COVID-19, các lãnh đạo doanh nghiệp hai nước cho rằng giấy chứng nhận tiêm vaccine là chìa khóa để sớm nối lại đi lại giữa các nước và kêu gọi hai nước đưa ra lộ trình dỡ bỏ từng bước hạn chế nhập cảnh.
Về giảm thiểu khí thải carbon, một chủ đề quan trọng tác động đến doanh nghiệp trong những năm tới, các lãnh đạo doanh nghiệp hoan nghênh các cam kết của chính phủ hai nước nhằm đạt được trung hòa carbon.
Tuyên bố nhấn mạnh các mục tiêu khí hậu của chính phủ cần phải khả thi, bền vững và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân. Theo đó, các lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi làm rõ các chính sách liên quan năng lượng để các công ty có thể tăng cường đầu tư vào các công nghệ mới.
Nhật Bản và Mỹ đều đặt mục tiêu giảm khí thải CO2 và trung hòa carbon vào năm 2050./.