Ngày 15/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích các phát biểu của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khi so sánh các nước thành viên EU là Đức và Hà Lan với phát xít, cho rằng cáo buộc này là "hoàn toàn xa rời thực tế" và không phù hợp với mong muốn gia nhập liên minh của Ankara.
Các nhà lãnh đạo EU đưa ra các phát biểu trên sau khi cử tri Hà Lan bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu Quốc hội mới, sự kiện được cho là phép thử đối với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, và kết quả của nó có thể sẽ tác động tới một loạt cuộc bầu cử ở "lục địa già" trong năm nay, như cuộc bầu cử ở Pháp và Đức. Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Hà Lan đã phần nào bị giảm chú ý sau khi xảy ra căng thẳng ngoại giao giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ do chính quyền Amsterdam đã cấm các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị tại đây.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh không ai có thể so sánh các sự kiện ở Rotterdam với thời phát xít, khi mà thành phố này bị phát xít Đức phá hủy. Nếu bất kỳ ai nhìn thấy những hành động kiểu phát xít tại Rotterdam thì họ hoàn toàn xa rời thực tế. Ông cũng tuyên bố liên minh sẽ đoàn kết với Hà Lan vì Hà Lan là châu Âu và ngược lại.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng ngày bày tỏ ông bị "xúc phạm" trước việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có những tuyên bố so sánh Đức và Hà Lan với phát xít. Ông nhấn mạnh: "Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự so sánh giữa phát xít với các chính phủ (thời hiện đại)". Ông cho rằng những bình luận này càng tạo khoảng cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU, nhất là khi Ankara đang muốn trở thành thành viên của liên minh này.
Trong diễn biến liên quan, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Peter Altmaier ngày 15/3 đã cảnh báo rằng chính phủ nước này có thể cấm các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh Đức để vận động chính trị, mặc dù ông cho biết đây sẽ là "biện pháp cuối cùng."
Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu đã trở nên gay gắt trong những ngày qua sau khi nhiều nước như Hà Lan, Đức, Áo... đã cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đến các nước này để vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Tayyip Erdogan.
Gay gắt nhất là quan hệ giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Chính phủ Hà Lan không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam để vận động chính trị.
Tiếp đó, Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya, cùng gia đình cũng đã được hộ tống trở lại biên giới Đức, sau khi đoàn xe của vị quan chức này cố tìm cách đến Rotterdam bằng đường bộ khi chưa có sự đồng ý của phía Hà Lan.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Istanbul vì "lý do an ninh." Thậm chí, phía Thổ Nhĩ Kỳ mới đây còn cảnh báo sẽ ngừng thực thi thỏa thuận về người tị nạn với EU, để cho người di cư tràn vào châu Âu./.