Lãnh đạo Quản lý thị trường nói gì về việc kiện toàn bộ máy, nhân sự?

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thủ tục thành lập các tổ chức, bộ máy phải có thời gian, đến nay đã thành lập được 35/63 đảng bộ Quản lý thị trường tại các địa phương.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin về việc sắp xếp bộ máy, nhân sự. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 18/1, tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã giải đáp chi tiết những thắc mắc về việc kiện toàn bộ máy và nhân sự của cơ quan này.

[Ông Trần Hữu Linh giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường]

Ông Linh cho biết, trước đây cơ cấu là Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các địa phương và theo quy định mới sẽ chuyển từ ngành ngang ở địa phương lên ngành dọc của Bộ Công Thương, do vậy với bộ máy mới, tất cả các chức danh lãnh đạo cũng đều bổ nhiệm mới hoàn toàn.

Cho rằng đây là vấn đề được dư luận rất quan tân, song theo ông Linh, việc bổ nhiệm mới phải làm theo quy trình, trong đó "Quy trình đã được Chính phủ quy định rất rõ, chặt chẽ, rừ các bước quy hoạch cán bộ, giới thiệu nhân sự, bổ nhiệm... và một trong các điều kiện tiên quyết là phải có tổ chức Đảng."

Chính vì vậy, ngay sau khi Tổng cục Quản lý thị trường được thành lập, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án thành lập tổ chức Đảng của Quản lý thị trường. Tuy vậy, ông Linh cho biết Đề án này phải được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý mới có thể áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Cũng theo ông, thủ tục thành lập các tổ chức, bộ máy phải có thời gian và không thể vội được. Trong 3 tháng vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiện toàn tổ chức này đến nay đã được 35/63 đảng bộ Quản lý thị trường tại các địa phương được thành lập.

Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an kiểm tra, kiểm soát thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Linh khẳng định, Bộ Công Thương rất quyết liệt, bắt đầu triển khai công tác quy trình bổ nhiệm cán bộ các cấp. Phía Bộ đã có hướng dẫn cho các Cục Quản lý thị trường tại địa phương về quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ tiến tới bổ nhiệm cán bộ. Với quy trình này, địa phương nào xong trước sẽ bổ nhiệm trước.

"Bộ Công Thương rất quan tâm tới công tác bổ nhiệm cán bộ nhất là lực lượng Quản lý thị trường bởi tâm tư thoải mái làm việc mới tốt được. Điều kiện đã chuẩn bị tốt rồi, thời gian tới sẽ bắt tay vào quy trình bổ nhiệm cán bộ, cố gắng trong tập trung quý 1 và quý 2/2019," ông Linh thông tin thêm./.

Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018.

Bộ máy Tổng cục ở trung ương được tổ chức tinh gọn trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, gồm 6 đơn vị: Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính; Vụ Chính sách - Pháp chế; Vụ Thanh tra - Kiểm tra và Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường.

Còn tại địa phương, thành lập Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục và Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh thay cho mô hình Chi cục trực thuộc Sở Công Thương hiện nay.

Hiện Tổng cục Quản lý thị trường mới có ông Trần Hữu Linh được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng, trong khi lãnh đạo các Cục và các Đội mới chỉ giữ quyền Cục trưởng và quyền Đội trưởng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục